Được biết, suốt cuộc đời Ngài đã cống hiến trọn thân mình cho đạo pháp, bằng hạnh nguyện khứ lai vô ngại, tự tại tùy duyên, Ngài đã thâu thần an nhiên thị tịch, vào lúc 16 giờ 00 – ngày 24/11/2023 (nhằm ngày 12/10/Quý Mão) tại Chùa Phật Ân, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Hòa thượng xuất gia từ thuở còn thơ và sống ở Lào, làm chú tiểu Sa Di sớm chiều kinh kệ, công phu bái sám, đó là bổn phận của người làm điệu, trong nếp sống nhà chùa. Dù chùa ở Lào hay Việt Nam cũng vậy, tụng kinh học luật là điều chính yếu của người xuất gia tu Phật. Bằng bản chất thông minh, thiên tư từ thuở nhỏ, cho nên sau khi xuất gia, Hòa thượng đã miệt mài học hỏi kinh điển, siêng năng nghiên cứu nghĩa lý đạo mầu.
Hòa thượng không chỉ uyên bác về Phật Giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa, Thầy còn tinh thông triết học Tây phương, văn chương, thơ, âm nhạc. Hòa thượng nghiên cứu thẳng từ nguyên tác của các văn nhân, thi sĩ nổi tiếng của Trung quốc như Tô Đông Pha, Lý Hạ, Đỗ Phủ… Ngoài những khảo luận Triết học và Phật học, Hòa thượng đã viết tác phẩm đầy thi vị: ‘Tô Đông Pha, Những Phương Trời Viễn Mộng’ (Ca Dao xb, Sài Gòn, 1973). Về âm nhạc, Hòa thượng chơi đàn guitar, violon, piano, thổi sáo. Ngài tìm hiểu âm nhạc dân tộc, lại rất am tường nhạc cổ điển Tây phương. Ngài làm nhiều thơ, viết một số truyện ngắn và các tiểu luận triết học, phê bình văn học đặc sắc, phần lớn đăng trên các tạp chí Khởi Hành (1969-1972) và Thời Tập (1973-1975) tại Sài Gòn. Đồng thời Ngài cũng là Tổng thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh.
Từ trẻ Hòa thượng đã thuộc lòng các bộ Kinh Pháp Hoa, Kim Cang, Thắng Man, Duy-ma- cật… Duy-ma-cật sở thuyết là bộ kinh nêu cao tinh thần sống đạo mà chẳng cần y áo hay sự suy tôn kiểu cách. Có thể nói, tư tưởng Bồ-tát đạo trong kinh này và bộ kinh Pháp Hoa đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tu học và hành Đạo của Ngài. Với kiến thức Phật Học uyên thâm, Ngài đã viết giảng luận “Huyền thoại Duy-ma-cật”, và đi theo hình mẫu lý tưởng này.
Buổi lễ trang nghiêm với nghi thức của Thiền môn, mỗi người ngỗi tĩnh lặng với ngọn nến trước mặt của mình và hồi tưởng những công hạnh, những tác phẩm mà Giác linh cố HT. Thích Tuệ Sỹ đã lưu dấu lại cho đời, cho bao thế hệ hậu học mai sau còn nhớ mãi.
Quảy dép về tây chốn nghỉ ngơi
Hạc vàng cất cánh ngắm phương trời
Huyễn thân bỏ lại nơi trần thế
Giã tạm hôm nay luống ngậm ngùi
Nam mô Tự lâm tế chánh tông, tứ thập tứ thế, húy thượng Nguyên hạ Chứng, hiệu Tuệ Sỹ trưởng lão Hòa thượng Giác linh.