1/ Đôi nét hình thành GHPGVN
Cách đây 38 năm, vào ngày 07/11/1981 một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với Tăng, Ni, cư sĩ, Phật tử Việt Nam đã diễn ra. Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 2000 năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, các tổ chức giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, Tăng, Ni và cư sĩ, Phật tử từ mọi miền đất nước đã chung sức, đồng lòng, với một quyết tâm sắt đá, thống nhất thành lập ngôi nhà chung GHPGVN.
Các tổ chức Phật giáo Việt Nam (PGVN) đã ý thức được rằng muốn có sức mạnh thật sự phải cùng nhau đoàn kết, tập hợp nhau trong một tổ chức để chấn hưng đạo pháp.
Cuộc vận động thống nhất Phật giáo lần thứ nhất (năm 1951) với sự tham dự của 6 đoàn thể Phật giáo ở 3 miền; Cuộc vận động thành lập Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam ở các tỉnh/thành phố phía Bắc (năm 1957, 1958); Cuộc vận động thống nhất Phật giáo năm 1964 tại miền Nam để thành lập nên “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất”. Tuy nhiên, sự thống nhất của 3 cuộc vận động này chưa được trọn vẹn vì đây không phải là sự thống nhất của Phật giáo trên toàn quốc mà chỉ là sự thống nhất của một số tổ chức Phật giáo hay của một khu vực, vùng miền.
Cuộc vận động thống nhất Phật giáo cả nước, thành lập GHPGVN năm 1981.
Đầu năm 1980, theo nguyện vọng của toàn thể Tăng Ni, cư sĩ, Phật tử, các vị giáo phẩm đại diện cho các tổ chức hệ phái lớn của Phật giáo họp tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập “Ban Vận động thống nhất Phật giáo” để xúc tiến cuộc vận động thống nhất Phật giáo trong phạm vi cả nước, bao gồm đại diện của 9 tổ chức, hệ phái: Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam (ở miền Bắc); Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang); Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước thành phố Hồ Chí Minh; Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam; Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam; Hội đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam bộ (Phật giáo Khmer); Giáo phái Khất sĩ Việt Nam; Giáo hội Thiên Thai giáo quán tông; Hội Phật học Nam Việt.
Tháng 11/1981, Đại hội thống nhất Phật giáo đã được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội với sự tham dự của 168 vị Giáo phẩm, Tăng, Ni, cư sĩ đại diện cho 9 tổ chức, hệ phái nói trên để thành lập nên một tổ chức chung của Phật giáo cả nước lấy tên là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Tại lời nói đầu của Hiến chương, GHPGVN đã khẳng định: Sự thống nhất PGVN đặt trên nguyên tắc: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên, các truyền thống hệ phái và phương tiện tu hành đúng chính pháp vẫn được duy trì”, và xác định phương châm hoạt động của GHPGVN là: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, “GHPGVN là tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước”. Hiến chương GHPGVN đã khẳng định: “Mục đích của GHPGVN là điều hoà, hợp nhất các tổ chức, hệ phái PGVN cả nước để hộ trì hoằng dương Phật pháp và tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc cho thế giới”.
2/ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – 38 năm đồng hành và phát triển cùng đất nước
Kế thừa truyền thống hơn 2.000 năm lịch sử phát triển của PGVN, GHPGVN ra đời tháng 11 năm 1981 đến nay đã trải qua 38 năm, trong tiến trình đó Giáo hội liên tục đổi mới và đồng hành phát triển cùng đất nước.
2.1 GHPGVN đồng hành cùng đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
PGVN là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, các nhà sư cùng đông đảo Tăng, Ni và Phật tử tự nguyện nhập ngũ lên đường tham gia kháng chiến, phần lớn các chùa trên khắp mọi miền đất nước đều là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng, nuôi giấu cán bộ và là hậu phương vững chắc cho những chiến sĩ cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Điểm lại lịch sử cho thấy, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của PGVN. Sự kiện các Thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền vì bách tính. Đặc biệt, Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã hai lần khoác áo chiến bào cùng toàn dân kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông; khi đất nước yên bình, Ngài nhường ngôi cho con và vượt qua trở ngại lên núi Yên Tử tu thiền, trở thành Sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của PGVN, GHPGVN đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “phụng đạo, yêu nước”, Giáo hội đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của đông đảo Phật tử; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của Tăng, Ni, Phật tử; là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.
Với tư cách là thành viên trong khối Đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN, Tăng, Ni, phật tử Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện đúng phương châm “Đạo pháp – Dân tộc”. Các Ban Trị sự tỉnh/thành hội Phật giáo trong toàn quốc thường xuyên động viên tăng, ni, phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh trên địa bàn khu dân cư, tham gia các đoàn thể, các hoạt động xã hội, vì lợi ích của đất nước và dân tộc như tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp từ trung ương đến địa phương.
Nhiều vị chức sắc tu hành được người dân tin tưởng bầu là Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; vai trò đặc biệt của sư sãi trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế xã hội ở các địa bàn dân cư. Các vị tăng, ni tiếp tục đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc.
Trải qua 38 năm xây dựng và phát triển, GHPGVN luôn nỗ lực phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, đúng theo ý nghĩa “phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật, trang nghiêm cho Thế gian tức là trang nghiêm Tịnh độ chư Phật tại thế gian”.
2.2 GHPGVN đồng hành cùng gia đình và xã hội giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên
Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay ở thanh thiếu niên là bạo lực học đường. Trước đây, nạn bạo lực chỉ diễn ra ở tầng lớp thanh thiếu niên ít học, thành phần lao động… Nhưng ngày nay, bạo lực được biểu hiện ở cả những con người được coi là hiền lành, thông minh, có học. Một bộ phận không nhỏ ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện có cách sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động, bất kính với người lớn, với cha mẹ, thầy cô, thiếu tình yêu thương đồng loại, dẫn đến tệ nạn xã hội ngày càng tăng cao trong những năm gần đây. Một bộ phận thanh thiếu niên không có ý thức về tội phước, nhân quả và không hiểu được giá trị của cuộc sống.
Đứng trước thực trạng xã hội đang có hiện tượng suy thoái nền đạo đức, GHPGVN nhiều năm qua đã có những hoạt động thiết thực để góp phần suy giảm sự suy đồi đạo đức trong thanh thiếu niên. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên, các hoạt động Phật pháp… Thông qua đó giáo dục các em hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phước, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu cha mẹ, thầy cô… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh, biết ơn với tổ tiên, ông bà và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Ngoài ra, còn tổ chức các buổi pháp thoại với chủ đề ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày như: dạy làm người, mối quan hệ trong tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, lý tưởng sống, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử v.v…
Hàng năm, GHPGVN đã chỉ đạo cho các ban, viện cùng các vị tăng, ni tích cực tổ chức các Hội nghị sinh hoạt giáo lý cho phật tử vào các dịp lễ lớn của Phật giáo như Đại lễ Phật Đản, Vu Lan báo hiếu, ngày Phật thành đạo,… và phối hợp với các cơ sở chùa, tự viện, thiền viện, tịnh xá, đạo tràng tổ chức hàng nghìn khóa bồi dưỡng giáo lý đạo Phật cho tầng lớp thanh thiếu niên phật tử mỗi năm, nổi bật là phong trào khóa tu mùa hè, khóa tu sinh viên hướng về Phật pháp, khóa tu một ngày an lạc trên khắp cả nước đã thực sự thu hút được hàng trăm nghìn thanh thiếu niên tham gia và có kết quả tích cực.
Nền giáo dục của Phật giáo mang đậm tính nhân văn, triết lý nhân quả nhân bản, giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chính pháp để trở thành những con người có đạo đức với hai phẩm chất nổi bật là từ bi và trí tuệ.
Theo số liệu thống kê, hiện có 1028 đạo tràng Bát quan trai, với 254.648 Phật tử sinh hoạt; 38 đạo tràng tu thiền, có 11.725 Phật tử; 416 đạo tràng Niệm phật, có 41.782 Phật tử; 264 đạo tràng Pháp Hoa, có 42.653 Phật tử; 68 khóa tu một ngày an lạc tổ chức hàng tháng, có 9.125 phật tử; 1.462 mô hình sinh hoạt Phật pháp khác, có 211.546 phật tử; 139 lớp giáo lý, có 14.615 phật tử; 106 giảng đường, có 21.141 Phật tử; 118 câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử, có 8.762 thanh thiếu niên tham dự. Trung bình mỗi khóa tu có từ 200 – 500 thanh thiếu niên tham dự tu tập, sinh hoạt.
Trong 38 năm qua, GHPGVN đã góp phần định hướng phát triển nền giáo dục nhân quả, nhân bản và toàn diện. Giáo dục Phật giáo luôn luôn nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, đem đến lợi lạc cho tha nhân, cùng cộng đồng xã hội chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng, xã hội ngày càng văn minh.
2.3 GHPGVN đồng hành cùng đất nước trên các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Những di sản văn hóa của Phật giáo đang tiếp tục phát huy tác dụng, tạo nên sắc thái dân tộc, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhiều quần thể tâm linh, chùa chiền, tự viện đã góp phần phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tâm linh phát triển mạnh mẽ, có thể xem đây là một trong những nhân tố làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế nước nhà.
Hiện cả nước có trên hàng chục triệu tín đồ Phật giáo, đa số người dân đều kính ngưỡng Phật giáo, nên vai trò của Phật giáo trong việc xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội hết sức quan trọng.
Trên thực tế, nhiều doanh nhân Phật tử thấm nhuần tư tưởng Phật giáo, đã đem triết lý Phật giáo vào việc điều hành và phát triển tổ chức, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, một phần lợi nhuận được chú trọng vào công tác hoạt động xã hội, thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.
GHPGVN tích cực tham gia cùng các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội… vận động tăng, ni, tín đồ Phật tử xây dựng xã hội phát triển lành mạnh. Thông qua đạo lý nhà Phật, áp dụng những nguyên tắc đạo đức như từ bi, cảm thông, lương thiện và công bằng vào trong đời sống kinh tế, văn hóa để phát triển xã hội một cách hài hòa và bền vững.
Gần qua nữa nhiệm kỳ VIII, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang triển khai những nội dung trọng tâm: Tiếp tục nghiên cứu, triển khai và phổ biến 4 đề án đã và đang thực hiện (pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản); Thành lập Trung tâm bảo tồn Di sản và phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam; Khảo sát các di tích, di sản văn hóa Phật giáo. Kết hợp với Ban Trị sự Phật giáo Hội Phật giáo biên soạn tác phẩm: “Văn hóa Phật giáo các tỉnh, thành” và “Các bậc danh Tăng Việt Nam”; Xây dựng quy chuẩn các chương trình văn hóa Phật giáo và đào tạo người điều phối (MC) các chương trình văn hóa Phật giáo; Thực hiện số hóa 3D các danh lam cổ tự tiêu biểu của cả nước; Thực hiện tọa đàm Văn hóa Phật giáo về các chủ đề liên quan đến Phật giáo; Hướng dẫn, hợp tác, kết nối văn hóa Phật giáo với các tỉnh thành trên cả nước; Nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa truyền thông Phật giáo.
2.4 GHPGVN đồng hành cùng đất nước trong hoạt động từ thiện, nhân đạo, xóa đói giảm nghèo
Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật và truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, trong những năm qua các hoạt động từ thiện, nhân đạo luôn được coi là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội.
Với hệ thống trên 165 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, hàng trăm phòng chẩn trị y học dân tộc, châm cứu, bấm huyệt, vật lý trị liệu, khám và phát thuốc nam, thuốc bắc; có trên 10 phòng khám Tây y, Đông Tây y kết hợp, đã khám và phát thuốc từ thiện cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay, GHPGVN có trên 1.000 lớp học tình thương; 36 cơ sở nuôi dạy trẻ mẫu giáo bán trú, nuôi dạy trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật,… với trên 20.000 em; trên 20 cơ sở nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già; và có khoảng 10 trường dạy nghề miễn phí đã đào tạo và giới thiệu cho hàng nghìn học viên có việc làm. Mô hình ngày càng được nhân rộng và phát triển, góp phần làm giảm gánh nặng cho gia đình của các em và cho xã hội.
GHPGVN còn đặc biệt quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện tinh thần tri ân đối với những người đã hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. 36 năm qua, Giáo hội đã quyên góp và phụng dưỡng suốt đời hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, tình thương; hàng nghìn tỷ đồng được quyên góp để góp phần chia sẻ và làm dịu bớt nỗi đau đối với những gia đình có người thân là thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn những người đã hy sinh vì dân tộc, vì đất nước, hàng năm GHPGVN đã tổ chức nhiều Đại trai đàn cầu siêu cho liệt sĩ ở nhiều nghĩa trang trong cả nước như: Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sơn, Quảng Trị, Điện Biên v.v…
Ngoài những công tác từ thiện nêu trên, những công tác phúc lợi xã hội khác như: Xây cầu bê tông, đắp đường giao thông nông thôn, đóng giếng nước sạch, hiến máu nhân đạo, đóng góp các quỹ từ thiện vì người nghèo, học sinh hiếu học, giúp phụ nữ nghèo vượt khó, tặng xe đạp cho học sinh, xe lăn cho bệnh nhân nghèo, tặng xuồng ghe, hỗ trợ áo quan, hỗ trợ mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể, bệnh tim nhi, phát quà tết, quà trung thu cho các cháu thiếu nhi, nồi cháo tình thương, bữa ăn từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa v.v… đều được GHPGVN quan tâm chỉ đạo tăng, ni, phật tử tích cực tham gia.
2.5 GHPGVN đồng hành cùng đất nước trên con đường quan hệ Quốc tế
Trong 38 năm qua, GHPGVN đã tích cực thể hiện vai trò quan hệ quốc tế của mình. Giáo hội đã trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế như Hội Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP), Thành viên sáng lập Liên minh Phật giáo Thế giới (Ấn Độ), Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp, Hội Đệ tử Như Lai Tối thượng (Sri Lanka), Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (Thái Lan), Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan, Thành viên Hội Sakyadhita Thế giới cũng như lãnh đạo Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và châu Âu… và đang liên kết thân hữu với các nước Phật giáo: Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Triều Tiên, Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan – Trung Quốc và một số nước châu Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ…
Giáo hội đã tổ chức đón tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế đến thăm viếng và trao đổi thông tin tại Văn phòng I chùa Quán Sứ, Hà Nội; Văn phòng II Thiền viện Quảng Đức, Tp.HCM và tại một số trụ sở văn phòng tỉnh/thành hội Phật giáo trong cả nước. Qua đó hai bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến tôn giáo, đời sống, văn hóa, xã hội đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Nhằm trao đổi kiến thức và giao lưu về mặt học thuật trên diễn đàn Phật giáo quốc tế, Giáo hội đã cử đoàn tham dự 86 cuộc hội nghị và hội thảo quốc tế tại các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Triều Tiên, Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Indonesia, Tây Ban Nha và Singapore… Đoàn đại diện GHPGVN đã tham dự 8 lần Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan và 3 lần Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ; tham dự Hội nghị thành lập tổ chức Liên minh Phật giáo Toàn cầu tại Ấn Độ vào cuối tháng 11/2011 cũng như kỷ niệm 2.600 năm ngày đức Phật thành đạo dưới cội Bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ và tại Sri Lanka.
Đặc biệt, GHPGVN còn đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008 (tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội), năm 2014 (tại Bái Đính, Ninh Bình) và năm 2019 (tại Trung tâm văn hóa Phật giáo chùa Tam Chúc, Hà Nam) với sự hiện diện của 115 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt nhiều thành quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi. Có lẽ đây là hoạt động nổi bật nhất trong sứ mệnh hội nhập Quốc tế của GHPGVN.
3.Kết luận
Sau 38 xây dựng và phát triển, ngày nay GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đồng hành cùng nhân dân cả nước xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua 8 kỳ Đại hội Phật giáo Toàn quốc, từ 28 Ban Trị sự Phật giáo và 06 ban, ngành hoạt động trong nhiệm kỳ I đến nay, GHPGVN đã thành lập được 63 Ban Trị sự trên 63 tỉnh thành phố và 13 ban ngành hoạt động chuyên môn. Tính đến tháng 06 năm 2019, cả nước có 55.941 Tăng Ni; 19.166 tự viện với hơn 24 triệu phật tử và hàng chục triệu người kính ngưỡng đạo Phật
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các ban, ngành hoạt động chuyên môn cần khắc phục một số hạn chế về công tác tổ chức và có chiến lược đào tạo năng lực, trình độ chuyên môn cho các tầng lớp nhân sự, để GHPGVN ngày càng phát triển theo tinh thần “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”.
Hòa thượng Thích Phổ Tuệ Đức Đệ tam Pháp chủ kêu gọi: “Giáo hội chúng ta cần phải phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại văn hóa tôn giáo, chăm lo đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, thông qua đó giới thiệu tới bạn bè quốc tế hiểu biết sâu rộng về lịch sử, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định nhằm xây dựng và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Trên các mặt hoạt động, GHPGVN đang tích cực phát huy tinh thần đồng hành xây dựng đất nước, tiếp tục gắn bó cùng các cấp chính quyền, cùng nhân dân xây dựng xã hội bình đẳng và văn minh, xứng đáng là một tôn giáo “hộ quốc – an dân” đồng hành cùng dân tộc.
Phát biểu khai mạc tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017 – 2022 tại Hà Nội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã nhấn mạnh.
Với chính sách đổi mới, mở rộng giao lưu, đa dạng hóa đa phương hóa trong quan hệ Quốc tế của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng nhận được sự đồng tình, hợp tác của nhiều tổ chức, hội đoàn, cơ sở Phật giáo tại nhiều nước trên thế giới, thu hút được sự ủng hộ của đa số tăng, ni, phật tử người Việt Nam ở hải ngoại để cùng chung lo cho Đạo pháp và Dân tộc trong những thập niên đầu thế kỷ 21, thế kỷ của hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập.
Với chủ đề của Đại hội VIII “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, căn cứ tình hình thực tế và Báo cáo Tổng kết hoạt động phật sự Nhiệm kỳ VII (2012-2017), những ý kiến, tham luận tại hội thảo kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội, hội nghị sinh hoạt Giáo hội, những góp ý gửi về Văn phòng Trung ương Giáo hội và đăng tải trên các phương tiện truyền thông Phật giáo, những ý kiến phát biểu tham luận của Chư tôn đức, đồng bào, phật tử, chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017-2022) được hoạch định những điểm chính như sau:
+ Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp, Dân tộc.
+ Đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.
+ Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
+ Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.
+ Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Hội phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.
+ Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của tăng, ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
+ Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng, ni, phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
+ Định hướng tự chủ tài chính trong các hoạt động phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý. Khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện. Kêu gọi tăng, ni, phật tử tích cực tham gia công tác từ thiện, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội cho cộng đồng.
Nguồn: Đại đức Thích Minh Ân – Phó Tổng Biên tập Phật sự Online TV
|
|