Cập nhật lúc 11:16:47 03-06-2019 (GMT+7)

Hà Nội: Cảm động Pháp hội cầu siêu thai nhi sản nạn nhân ngày 1/6 tại chùa Tân Hải

Sáng ngày 2/6/2019 (nhằm ngày 29/4 năm Kỷ Hợi) hàng ngàn Phật tử, thiện nam tín nữ, các bậc phụ huynh của các thai nhi bị chối bỏ, các sản nạn bị tử vong đã vân tập về chùa Tân Hải, thôn Phương Ngoại, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội để tham dự Pháp hội cầu siêu thai nhi, sản nạn nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Pháp hội cầu siêu thai nhi, có sự tham dự chứng minh của Đại đức Thích Quảng Hiếu – Bản tự chùa Tân Hải, Trưởng ban Tổ chức (BTC) Pháp hội, cùng hơn 4.000 bậc cha mẹ, phụ huynh của các thai nhi bị chối bỏ, sản nạn bị tử vong và đông đảo Phật tử, thiện nam tín nữ gần xa.

Trước khi chính thức bước vào buổi lễ tụng kinh cầu siêu cho vong linh thai nhi, sản nạn, Đại đức Thích Quảng Hiếu đã có một thời pháp ngắn nói về tác hại của việc nạo, hút thai, phá thai, các chuyên gia chia sẻ về nguyên nhân, tác hại của việc nạo, hút thai, phá thai. Theo giáo lý nhà Phật thì không phải cứ đợi đến lúc hài tử lọt lòng mới được gọi là một sinh mạng, mà khi một mầm sống mới được hình thành trong cơ thể người mẹ, thì ngay vào giây phút đầu tiên đó hài tử đã được coi như là một sinh mạng. Trong cuộc sống có nhiều nguyên nhân, nhiều lý do khác nhau nên các bậc làm cha làm mẹ đã chối bỏ thai nhi của mình, việc đó cũng đồng nghĩa với việc họ đã tước đoạt đi sinh mạng của chính con cái mình. Đây cũng chính là thông điệp mà Đại đức Trưởng BTC muốn truyền tải đến các ông bố bà mẹ đã bỏ rơi con cái mình ngay từ khi còn trong trứng nước.

Tiếp đó, Đại đức Thích Quảng Hiếu đã làm lễ Quy y Tam bảo cho các vong linh thai nhi và toàn thể đại chúng, các bậc làm cha cha làm mẹ đã nhất tâm sám hối, tụng kinh cầu nguyện cho các oan hồn, uổng tử sớm được siêu thoát. Đồng thời, thông qua thời kinh này giúp cho các ông bố, bà mẹ hiểu rõ hơn về tội lỗi của mình, để từ đó họ biết ăn năn hối lỗi, biết sám hối về những việc mình đã gây tạo ra, khiến cho các vong linh thai nhi phải chịu đau khổ và hồi hướng công đức lành đó cầu cho các vong linh sớm đầy đủ nhân duyên để được sinh về cảnh giới an lành.

Lúc này, không khí tại Pháp hội dường như bị trầm xuống, thể hiện rõ trên khuôn mặt của hàng ngàn ông bố, bà mẹ, mỗi người một tâm trạng, một nỗi đau khác nhau. Nhìn vào khuôn mặt của họ có thể thấy trong đó sự xót xa, đau buồn của những người phụ nữ đã luống tuổi hay những thiếu nữ chỉ mới mười tám đôi mươi. Có lẽ, họ đã nhận ra mình có tội rất lớn vì đã giết đi những sinh mạng, những thai nhi vô tội mà sinh mạng đó không đâu xa chính là những người con của mình, là máu mủ ruột thịt của mình.

Buổi lễ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh là giúp cho linh hồn những đứa trẻ xấu số này sớm được siêu thoát, mà nó còn mang một ý nghĩa xã hội khác là giúp những người tham dự buổi lễ nói riêng và toàn xã hội nói chung hiểu thêm ý nghĩa sâu xa của tình yêu thương nhất là tình cảm của cha mẹ đối với con cái. Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho những ông bố, những bà mẹ trẻ phải suy nghĩ chín chắn, thấu đáo trước khi làm bất kỳ một việc gì.

Buổi lễ còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trên tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật và đã khép lại trong không khí trầm lắng, xót xa, cảm động khiến cho các ông bố bà mẹ không khỏi suy nghĩ về những hành động mà mình đã gây tạo.

Xin chia sẻ hình ảnh ghi nhận được đến với bạn đọc:

 

Thành Trung - Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu