Cập nhật lúc 16:17:36 08-01-2020 (GMT+7)

Hà Nội: Kỷ niệm ngày Đức Phật thành Đạo tại chùa Tăng Phúc

Sáng ngày 05 tháng 01 năm 2020, nhằm ngày 11 tháng 12 năm Kỷ Hợi, tại chùa Tăng Phúc – phường Thượng Thanh – quận Long Biên – TP. Hà Nội đã long trọng tổ chức Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật thành Đạo PL.2563 – DL2020 và lễ Tất niên năm Kỷ Hợi.

Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Huệ Phước – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng phân ban Hoằng pháp Hải ngoại thuộc ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Phó trưởng Ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên – Huế; Ni trưởng Thích Đàm Thành – Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Trưởng Phân ban đặc trách Ni giới TƯ GHPGVN, Trưởng Phân ban đặc trách Ni giới GHPGVN TP. Hà Nội; Ni sư Thích Đồng Hoà – Ủy viên Thường trực Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, Trưởng ban tổ chức đại lễ cùng chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các chùa trong TP. Hà Nội.

Về phía đại biểu khách mời có: ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng vụ Phật giáo ban Tôn giáo chính phủ; ông Phạm Tất Thắng – Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; ông Vũ Ngọc Triều – Phó trưởng phòng 04 Cục an ninh nội địa Bộ công an; Đại Võ sư Quốc Tế Lê Ngọc Quang – Phó chủ tịch Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam; NSND Lan Hương cùng quý vị lãnh đạo đại diện cho các cơ quan chức năng, ban ngành TƯ và địa phương và đông đảo nhân dân Phật tử gần xa đã về tham dự buổi lễ.

Văn nghệ cúng dàng Đại lễ

 

Phát biểu khai mạc tại buổi lễ, Ni Sư Thích Đồng Hoà – Trưởng ban tổ chức đại lễ nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày Đức Phật thành Đạo: “Đức Phật ra đời nhằm giúp chúng sinh thấu hiểu khổ đau và đưa ra những phương pháp diệt trừ khổ đau để hướng tới an lạc. Giáo lý của đức Phật phù hợp với mọi giai tầng, mọi lứa tuổi, mọi thời đại, giúp chúng ta đạt được bình an ngay trong thực tại mà không phải một cảnh giới tương lai xa vời. Với gần 3000 năm trước một xã hội còn lệ thuộc, còn phong kiến thì tầm nhìn về bình đẳng giới, về khoa học đã khiến Ngài có thể để lại giáo lý như một cuộc cách mạng về nhận thức, sự phát triển về bản thân của mỗi cá nhân đều có quyền hạnh phúc như nhau trong đời sống thực tại. Một sự thật nữa, những giới luật của Ngài đã giúp mỗi cá nhân tự thiết lập kỉ luật bản thân, dẫn đến xây dựng một gia đình văn hóa theo cá nhân đó đề ra. Để tiến tới một bản thân hoàn chỉnh và một gia đình hạnh phúc. Như vậy giáo lý của Đức Phật rất cần thiết cho mỗi con người chúng ta trong xã hội ngày nay”.

Sau đó là nghi thức dâng hoa cúng dàng Tam Bảo của các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Tăng Phúc.

Tiếp theo, Phật tử Chúc Dũng – Trưởng Đạo tràng bản tự cũng đã thay mặt đạo tràng đọc bản báo cáo Tổng kết hoạt động Phật sự, tu học và công quả trong năm 2019. Trong năm qua, Phật tử đạo tràng chùa Tăng Phúc đã có nhiều thành tựu đáng khích lệ, các công tác tu học, tổ chức lễ hội, từ thiện đều đạt được mục tiêu đã đề ra.

Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Huệ Phước đã ban đạo từ đến toàn thể đại chúng, chia sẻ “Mặc dù trong tiết đông nhưng trời không lạnh giá, mà lại ấm áp của không gian, của tình người. Điều đó đã nói lên nghĩa lý nhiệm màu của lễ thành Đạo. Hòa trong niềm vui của cả nước khi trong những ngày đầu tiên của năm mới 2020, Việt Nam chúng ta rất vinh dự trên trường quốc tế đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ và chủ tịch ASIAN. Cùng với những thành quả vô cùng tốt đẹp được công bố tại hội nghị khóa VIII của HĐTS GHPGVN diễn ra ngày 30 – 31/12/2019. Đặc biệt hơn, hôm nay Sư cô Thích Đồng Hòa được tấn phong giáo phẩm Ni sư. Tất cả niềm vui đó đang cô đọng lại đây và đang sáng tỏa vừa đạo vừa đời với những công đức hết sức tốt đẹp nơi ngôi chùa Tăng phúc này”.

Từ đây, Hòa thượng đã giảng giải cho đại chúng về ý nghĩa sự kiện thành Đạo của Đức Thế Tôn, qua đó nhấn mạnh “chúng ta tổ chức lễ Phật thành Đạo là để kính niệm ân Đức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường, làm gương cho chúng ta đồng thời chúng ta cũng rất vui mừng hãnh diện khi chúng ta đang sống trong đất nước có những vị lo cho dân, lo cho nước để chúng ta có được những ngày như thế này để làm động lực cho chúng ta vươn lên.

Làm thế nào Đức Phật từ một con người bình thường để thành một vị Phật, chúng ta tổ chức lễ Phật thành đạo này để chúng ta học hỏi theo. Chữ Tu nội hàm là tu tập và tu hành, tức là học tập và làm theo đức hạnh của Đức Phật, những tâm nguyện của đức Phật để rũ bỏ tất cả phiền não, vô minh tà kiến nơi con người để trở thành con người thánh thiện hơn. Học tập những tâm nguyện của đức Phật để ngoài việc thanh lọc thân tâm của mình cho thanh tịnh, gột rửa tất cả những phiền não vô minh và trang bị cõi lòng rộng rãi hơn, bao dung hơn, yêu thương hơn, trí tuệ hơn để đem lại an lạc, hạnh phúc cho chúng sinh. Vì vậy mỗi lần kỷ niệm Đại lễ thành Đạo chúng ta phải tự soát lại và phải lập nguyện tiến bước hơn nữa. Những gì trong quá khứ chưa tốt đẹp thì chúng ta cần khắc phục và chúng ta phải đặt chỉ tiêu, đặt cái đích cho chúng ta đi đến đó là Niết bàn, đó là Tịnh độ. Cho nên con đường của đức Phật cũng sống đời sống như một con người nhưng vượt lên những thứ tầm thường, theo thế gian thì chúng ta gồm có 2 lối sống đó là vật chất và sinh lý, nhu cầu về ăn ở sinh hoạt. Đời sống thứ 2 là đời sống tinh thần gồm có tình cảm, tâm lý, văn hóa. Tất cả những thứ này đáp ứng cho đời sống tinh thần của chúng ta. Hai lối sống này đáp ứng được nhu cầu thường tình cho cuộc sống hàng ngày. Người Phật tử chúng ta còn có một đời sống cao hơn đó là đời sống tâm linh và Phật giáo là một Tôn giáo có truyền thống tâm linh tỉnh thức hết sức đặc biệt, nó giúp con người chúng ta ai có cơ duyên với Phật giáo sẽ xây dựng một đời sống tốt đẹp hơn, cao quý hơn và thể hiện tính đại đồng rất rõ nét. Cho nên người Phật tử kỷ niệm ngày Phật thành Đạo tức là chúng ta phải căn cứ trên ba lối sống về vật chất, tinh thần và tâm linh tỉnh thức đặc biệt của Phật giáo để chúng ta phải nguyện nỗ lực hơn nữa. Muốn có trí tuệ của đức Phật chúng ta phải đi trên con đường, phương pháp “Văn – Tư – Tu”. Văn tức là nghe không chỉ nghe bằng tai mà chúng ta còn nghe cả bằng mắt, nghe cả mùi vị qua lưỡi, tức là lục căn chúng ta phải biết nghe, phải hơn những người có mắt không thấy, có tai không chịu nghe. Cho nên chúng ta phải vận dụng lục căn của mình  để tiếp xúc với lục trần, để nghe một cách rõ ràng, qua đó dẹp bỏ bản ngã của con người chúng ta. Nhờ nghe ta có tư duy, qua tư duy để chúng ta chắt lọc, làm thế nào để bỏ hết được tính kiêu căng ngã mạn nơi tự thân mình. Khi hiểu biết rõ ràng, nhận định đúng đắn để có hiểu biết chân chính, tức là chúng ta ứng dụng “Văn – Tư – Tu” trong cuộc đời của mình. Người Phật tử không chỉ học trong “Kinh, Luật, Luận” mà chúng ta còn học những cái hay, cái đẹp của nhân loại và từ đó biết chắt lọc, kết tinh những điều cao quý về đạo đức, văn hóa để làm cho đời sống ngày càng tốt hơn. Chúng ta cần phải cân nhắc rằng trí thức cũng là chỉ mượn của người khác, học theo người khác rồi ứng dụng ra, tức là trí thức lấy từ bên ngoài để đưa vào, chưa phải vấn đề cuối cùng để giải quyết vấn đề sinh tử của con người, chưa phải vấn đề then chốt để giải quyết nỗi khổ, niềm đau của cuộc sống mà phải phát huy nguồn tuệ giác nơi con người chúng ta. Như đức Phật mặc dù trên ngai vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan khi còn làm Thái tử, nhưng mà cảm nhận được nỗi đau của chúng sinh và thao thức để làm thế nào cứu giúp chúng sinh vượt ra ngoài khổ đau. Thái tử đã từ bỏ tất cả để vào rừng sâu, học với các vị đạo sỹ danh tiếng thời bấy giờ cũng chưa hài lòng bởi vì đây không phải phương pháp để giải quyết vấn đề sinh tử khổ đau. Đức Phật đã đến dòng sông Ni Liên Thiền tắm rửa và ngồi thiền định. Như vậy để thấy được rằng Đức Phật không còn hướng ngoại mà hướng nội, tự mình thắp đuốc lên để mà đi. Chính vì vậy, suốt 49 ngày đêm thiền định, Đức Phật đã thành tựu đạo quả. Như vậy, kỷ niệm ngày Phật thành Đạo chính là để chúng ta tự nhắc nhở bằng nỗ lực hướng nội của bản thân. Có hướng nội ta mới giải quyết được tất cả những vi tế hữu lậu vô minh trong con người mình. Có hướng nội ta mới có cơ hội thắp sáng, tỏa sáng tuệ giác nơi tự thân. Nơi con người có 3 dòng sông là dòng sông thời gian, dòng sông cảm thụ, dòng sông tuệ giác. Khi trong địa vị phàm phu chúng ta bị chi phối bởi 8 thức và 51 tâm sở, nhưng khi thành Phật thì 8 thức và 51 tâm sở này sẽ trở thành 4 trí. Chính trí tuệ này sẽ là khuôn vàng thước ngọc, là cảnh giới an ổn không bị chi phối bởi vô thường, khổ đau. Qua sự kiện thành Đạo này, Đức Phật nhắc nhở chúng ta thành tựu đạo quả bằng con đường trung đạo. Trong mỗi người đều có Phật tính bình đẳng và khả năng thành Phật như nhau”.

Cuối cùng, Hòa thượng sách tấn đại chúng hãy tinh tiến tu học để phát triển tuệ giác của mình, nỗ lực tu như Đức Phật sẽ được như Đức Phật, trau dồi Giới – Định – Tuệ, “Kỷ niệm ngày thành Đạo phải ngắm tới đích thường lạc ngã tịnh. Mà điều này không phải đợi thành Phật mới xây dựng, mới đặt vấn đề; mà ngay trong từng giờ từng phút qua hành động, lời nói, suy nghĩ ta phải làm thế nào để xây dựng những chất liệu thường lạc ngã tịnh rất nhỏ nhoi nhưng lâu ngày sẽ lớn và đầy đủ một cách trọn vẹn”. Hòa thượng khẳng định “Con đường Phật giáo rất rõ, nhiệm vụ của Tăng Ni Phật tử chúng ta rất rõ, đòi hỏi phải biết phát triển về Bi – về Trí. Bi là làm thế nào để ta ngày càng làm được nhiều việc có lợi ích cho nhân dân xã hội, đem lại những nhu cầu vật chất và tinh thần trong đời sống của mọi người. Phát triển về Trí tức là trong từng giờ từng phút phải biết rũ sạch phiền não. Như vậy phát triển Bi và Trí cũng đồng nghĩa là Phước Huệ Song Tu, khi phước đức trí tuệ đầy đủ thì lúc đó thành Phật”.

Tại đây, ông Bùi Hữu Dược cũng có lời phát biểu tới quý chư tôn đức Tăng Ni và toàn thể đại chúng. Ông bày tỏ niềm hoan hỷ khi đại lễ Phật thành đạo được tổ chức hôm nay nhằm tôn vinh sự kiện Đức Phật thành tựu Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Qua đây ông cũng đã gửi lời chúc mừng năm mới 2020 đến toàn thể pháp hội và chuẩn bị đón chào xuân Canh Tý đang đến gần.

Nhân dịp này, với tinh thần từ bi của đạo Phật và tinh thần “thương người như thể thương thân” của người Việt, chùa Tăng Phúc cũng đã gửi 20 phần quà Tết, với tổng trị giá gần 15 triệu cho những hộ gia đình và người già neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn quận Long Biên. Những món quà tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm ấm lòng bà con trong những dịp cận Tết Nguyên đán Canh Tý.

Cuối buổi lễ, chư Tôn đức chứng minh cùng toàn thể hội chúng đã thực hiện nghi thức niêm hương bạch Phật, cầu chúc thế giới hòa bình, Phật pháp trường tồn, nhân dân an lạc, ấm no hạnh phúc.

Buổi lễ kết thúc trong tinh thần hoan hỷ, hòa hợp của toàn thể hội chúng có mặt tại bản tự hôm nay.

Diệu Tường - Nguồn: Phật Sự Online

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu