Quang lâm chứng minh buổi lễ có NS. Thích Tâm Chính – Phó Thư ký Ban từ thiện xã hội, Uỷ viên Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Trưởng Ban từ thiện xã hội GHPGVN thành phố, Trưởng BTS GHPGVN quận Hải An, trụ trì chùa Vẽ và chùa Kim Quang, thành phố Hải Phòng; ĐĐ. Thích Pháp Như – Tăng sinh đang theo học tại Ấn Độ cùng đông đảo chư Tôn đức Ni Uỷ viên BTS GHPGVN quận Hải An, chư Tôn đức Ni trụ trì các chùa trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh thành lân cận.
Về phía khách mời chính quyền có sự hiện diện của TS. Lê Quốc Tiến – Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo thành phố; ông Nguyễn Văn Tuấn -Bí thư Quận uỷ Hải An; bà Trần Thị Kim Oanh – Phó chủ tịch UBND quận Hải An, các ông bà lãnh đạo đại diện cho cấp Uỷ Đảng thuộc HĐND, UBND, UB MTTQVN quận Hải An, phường Đằng Hải, các cơ quan ban ngành đoàn thể trong và ngoài thành phố, các nhà hảo tâm, các Mạnh thường quân cùng đông đảo quý Phật tử, quý thiện nam, tín nữ và nhân dân địa phương.
Tại buổi lễ, NS. Thích Tâm Chính đã nói lên nguồn gốc của Đại Hồng Chung và ý nghĩa của việc đúc Đại Hồng Chung. Theo đó, trong Phật giáo, chuông được đưa vào sử dụng từ rất sớm, bởi đó là một pháp khí rất hữu hiệu, là phương tiện để tác động cũng như khai mở trí tuệ cho các hành giả đang tiến bước trên con đường giác ngộ giải thoát. Khi đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã dùng chuông làm phương tiện đánh thức, khai mở tâm trí cho các đệ tử của mình trong một số kinh điển, khi Đức Phật giải thích, khai ngộ giáo lý cho các đệ tử, ngài hay thỉnh chuông để thức tỉnh đệ tử cảm nhận sự việc qua tính nghe của chính mình mà dung nhập vào sâu Phật trí. Vì thế, chúng ta cũng có thể hiểu trong Phật giáo, chuông được sử dụng từ khi Đức Thế Tôn còn tại thế.
Đại hồng chung còn gọi là chuông lớn hay chuông U minh, chuông thường được đánh vào những lúc đầu hôm và cuối đêm. Đánh vào lúc đầu hôm là để thức tỉnh và nhắc nhở mọi người rằng: “Vô thường mau chóng, chẳng hẹn một ai, khi hơi thở ra mà không trở lại là qua đời khác”. Còn đánh vào lúc cuối đêm là để sách tấn mọi người mau mau tu tập, đoạn trừ mọi phiền não cấu uế của tự tâm, gạn lọc tham, sân và si là ba thứ gây ra tội lỗi, trói buộc trong vòng sinh tử luân hồi. Lối đánh chuông này, thường là 108 tiếng, ý nghĩa biểu trưng cho 108 thứ phiền não của chúng sinh, khi chuông đánh lên thì 108 thứ phiền não này đều bị rơi rụng, trí tuệ phát sinh, căn lành tăng trưởng, đạt được sự giải thoát giác ngộ trong tương lai. Tiếng chuông chùa, theo kinh điển, có thể thấu đến cõi địa ngục u ám, chúng sinh nào bị đọa nơi địa ngục nhờ nghe tiếng chuông này liền được giải thoát. Do vậy, chuông là một pháp khí rất linh thiêng, có sức lan toả rất lớn đến đời sống tâm linh của mỗi chúng ta.
Nhân dịp này, Ni sư Thích Tâm Chính cũng có lời tri ân tới các nhà hảo tâm, các Mạnh thường quân, các Phật tử đã đóng góp tịnh tài, tịnh vật để đúc 2 quả chuông ngày hôm nay. Đồng thời Ni sư kính chúc toàn thể đại chúng, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các Phật tử năm mới 2021 thật nhiều sức khoẻ, an khang, thịnh vượng và luôn là những Phật tử tinh tấn, hỗ trợ đắc lực cho Phật Pháp để Phật Pháp mãi mãi được trường tồn cùng với thời gian.
Trước khi kết thúc buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni và các Phật tử đã làm lễ dâng hương, bạch Phật cầu nguyện Quốc thái dân an và lễ chú nguyện, gia trì, rót đồng đúc Đại hồng chung chùa Vẽ và chùa Kim Quang, mỗi quả chuông có trọng lượng khoảng 1 tấn, trị giá mỗi quả khoảng hơn 400 triệu đồng. Sau khi đúc xong, một quả chuông sẽ được treo tại tháp chuông chùa Vẽ và một quả chuông sẽ được treo tại cổng tam quan chùa Kim Quang.
Thành Trung - nguồn: Phật Sự Online
|
|