Tượng các vị thần trong Hindu giáo bị lạm dụng trong câu lạc bộ đêm tại Mandalay Bay (Las Vegas) - Ảnh: Foundation Room
Thông qua đó, nhóm này đã đưa ra phát ngôn chung, kêu gọi các câu lạc bộ đêm trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ nói riêng cũng như trên thế giới chấm dứt các thiết kế sử dụng tượng, tranh tôn giáo phục vụ mục đích trang trí.
Phát ngôn trên là động thái phản hồi trực tiếp của nhóm đối với các hộp đêm Foundation Room, thuộc hệ thống bar và nhà hàng House of Blues, Công ty Live Nation Entertainment (California) - nơi tượng các vị thần Hindu giáo và tượng giáo chủ Kỳ-na giáo đang bị lạm dụng cho các thiết kế trang trí. Tại Hoa Kỳ, mạng lưới câu lạc bộ đêm này phổ biến ở nhiều nơi như Boston, Anaheim, Chicago, Cleveland, Dallas, Houston, Las Vegas và New Orleans.
Thông điệp của chiến dịch khẳng định mạnh mẽ rằng, “Việc sử dụng tượng các vị thần Ganesha, Shiva và nữ thần Saraswati trong tín ngưỡng Hindu giáo; tượng giáo chủ Kỳ-na Mahavira hay tượng Đức Phật ở những nơi phục vụ giải trí như sòng bạc hay hộp đêm là hành động bất kính, gây bất bình đối với tín đồ các tôn giáo này và phải được chấm dứt ngay”. Các thành viên phát động chiến dịch cũng yêu cầu lời xin lỗi cộng đồng từ lãnh đạo Công ty Live Nation về “hành vi không phù hợp và thiếu đúng đắn trên”.
“Những biểu tượng thuộc về đức tin không nên được sử dụng một cách sai lệch. Các vị thần trong tín ngưỡng Hindu giáo được thờ phụng trong các ngôi đền và phòng thờ ở nhà riêng, chứ không phải ‘bị ném’ quẩn quanh một cách tùy tiện để tạo hiệu ứng trang trí...”, Rajan Zed, Chủ tịch Hội Hindu giáo Toàn cầu (Universal Society of Hinduism), thành viên chiến dịch trên bày tỏ.
Song song đó, khu Nghỉ dưỡng và Sòng bạc Mandalay Bay tại Las Vegas còn được yêu cầu tháo dỡ các tượng ra khỏi tất cả các thiết kế trong hệ thống Foundation Room, theo
India New England News.
“Các câu lạc bộ đêm Foundation Room luôn chú trọng thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp và hòa bình - những yếu tố tối quan trọng và cần thiết cho thế giới hiện nay. Trên tinh thần này, chúng tôi đã ngồi lại làm việc, thảo luận để thấu hiểu hơn và chung tay mang đến những điều tốt đẹp nhất cho nhau.
Công ty luôn nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đưa mọi người lại gần nhau hơn và cam kết lưu tâm đến điều này trong sự phát triển của mình”, đại diện của House of Blues hồi đáp trước làn sóng phản đối mạnh mẽ trên, theo
The Washington Post.
Theo đó, công ty đã gửi lời xin lỗi và cho biết sẽ lập tức tháo dỡ các tượng ra khỏi hệ thống; đồng thời đánh giá lại “sự có mặt của tất cả các tượng trong hệ thống thiết kế và sẽ làm việc với các tổ chức, chuyên gia tôn giáo, hướng đến việc điều chỉnh phù hợp hơn”.
Buddha Bar tại Jakarta (Indonesia) sử dụng tượng Đức Phật để trang trí, bị dư luận phản đối mạnh mẽ năm 2009 - Ảnh: Reuters
Không chỉ mới đây tại Hoa Kỳ, từ năm 2009, hệ thống quán bar và nhà hàng Pháp với tên gọi Buddha Bar đã phải chịu áp lực đóng cửa kinh doanh khi mở chi nhánh duy nhất tại thủ đô Jakarta (Indonesia). Cộng đồng Phật tử nước sở tại đã đệ đơn kiện cơ sở này vì sử dụng danh xưng “Buddha” (Đức Phật) làm tên thương hiệu và dùng tượng Đức Phật trang trí bên trong. Qua đó, quán bar này bị dư luận chỉ trích nặng nề vì “hành vi báng bổ tôn giáo” của mình.
Trước sự vụ này, Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Maftuh Basyuni khẳng định: “Mối quan ngại này không chỉ riêng đối với Phật giáo, nếu chúng ta không lên tiếng và có sự can thiệp thỏa đáng, tôi e rằng trong tương lai sẽ tiếp tục có các quán bar Hồi giáo, Thiên Chúa giáo hay một biến tướng nào đó - nơi mà hình ảnh cao quý của các vị giáo chủ bị lạm dụng. Điều này đóng vai trò quan trọng trong sự hòa hợp tôn giáo”, theo
The Guardian.
Cũng trong năm 2019, đại diện phát ngôn của Hội Hindu giáo Toàn cầu đã phản ánh và nhận được lời xin lỗi từ một nhà sản xuất bia ở Virginia (Hoa Kỳ) vì lấy tên thương hiệu Hanuman cho sản phẩm. Đồng thời, tổ chức này cũng lên tiếng phản đối việc sử dụng các hình ảnh tôn giáo không phù hợp của các doanh nghiệp và thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới như Amazon, Etsy, Nordstrom, Urban Outfitters, Walmart và Wayfair.
Trần Trọng Hiếu
(theo
The Buddhist Door, AP, India New England)