Cập nhật lúc 16:40:32 02-12-2018 (GMT+7)

Họp báo Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Thực hiện kế hoạch của TƯ GHPGVN về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, chiều nay, ngày 2/12/2018 (tức ngày 26/10/Mậu Tuất) tại Trụ sở BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh – Chùa Trình Yên Tử, Ban Tổ chức đã tổ chức buổi họp báo để công bố các nội dung của đại lễ tưởng niệm.

 

 

Đồng chủ trì buổi họp báo hôm nay có HT. Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Trung ương GHPGVN; TT. Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh; TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí HĐTS GHPGVN; PGS. TS. Lại Quốc Khánh – Phó Viện trưởng viện Trần Nhân Tông, ĐHQG Hà Nội; ông Vũ Ngọc Tuấn – Phó Trưởng Ban Dân vận tinh ủy Quảng Ninh.

Tham gia buổi họp báo, còn có Chư Tôn đức trong Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh – Thường trực BTC Đại lễ; quý vị đại biểu Ban Dân vận tỉnh ủy Quảng Ninh, lãnh đạo các sở Thông tin truyền thông tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh, quý vị đại diện UBND TP. Uông Bí, thị xã Đông Triều; quý vị trong BQL Di tích Rừng quốc gia Yên Tử, BQL Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều; quí vị thành viên trong BTC Đại lễ. Đặc biệt, buổi họp báo đọc đón tiếp đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Trước tiên, thừa ủy quyền của BTC, TT. Thích Đạo Hiển đã tuyên đọc Thông cáo báo chí về việc tô chức Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn. Thời gian tổ chức vào ngày mùng 6 và mùng 7/12/2018 (tức ngày 30/10 và 01/11/Mậu Tuất). Với quy mô tổ chức cấp quốc gia cho GHPGVN chủ trì. Các chương trình cụ thể:

1. Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân (Đông Triều) – nơi Đức Vua hóa Phật.

– Thời gian: ngày 06 tháng 12 năm 2018 (9h00 – 11h00: Lễ tưởng niệm; 13h00 – 16h00: Đại trai đàn cầu siêu).

– Địa điểm: chùa Ngọa Vân, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

2Lễ truyền đăng tưởng niệm Phật Hoàng.

– Thời gian: 19h00 – 22h00, ngày 06 tháng 12 năm 2018.

– Địa điểm: Sân lễ hội chùa Trình – Trụ sở GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, phường Phương Đông, tp. Uông Bí.

3. Lễ cúng Phật, cúng Tổ và nhiễu tháp Phật Hoàng.

– Thời gian: 00h00, ngày 07 tháng 12 năm 2018.

– Địa điểm:  Chùa Hoa Yên, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí.

4. Đại lễ Tưởng niệm 710 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết Bàn.

– Thời gian: 8h30 – 11h00, ngày 07 tháng 12 năm 2018.

– Địa điểm: Cung Trúc Lâm – Trung tâm lễ hội Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí.

Trong thời gian diễn ra Đại lễ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội (Viện Trần Nhân Tông làm đầu mối) và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm – Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”.

– Thời gian: 03 ngày 05, 06 và 07 tháng 12 năm 2018 (Hội thảo chính: ngày 06 tháng 12 năm 2018).

– Địa điểm: TT Văn hóa Trúc Lâm, xã Thượng Yên Công, Tp. Uông Bí.

TT. Thích Đạo Hiển đọc Thông cáo báo chí

Thiết thực chào mừng Đại lễ tưởng niệm, Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có 3 sự kiện, công trình chào mừng:

1. Lễ Khánh thành Chùa Trung Tiết, xã An Sinh, thị xã Đông Triều: đây là ngôi danh lam cổ tự nằm trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều; dự án do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban nhân dân thị xã Đông Triều làm chủ đầu tư, tổng kinh phí thực hiện 82 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa. Lễ khánh thành được tổ chức vào hồi 8h00 ngày 01 tháng 12 năm 2018.

2. Lễ Khánh thành Công viên chữ Tâm trong khuôn viên trụ sở GHPGVN tỉnh Quảng Ninh – chùa Trình, phường Phương Đông, thành phố Uông Bí: dự án do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, kinh phí thực hiện 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Lễ khánh thành tổ chức vào hồi 19h00 ngày 06 tháng 12 năm 2018.

3. Lễ Khánh thành giai đoạn I Cung Trúc Lâm Yên Tử: đây là dự án trọng điểm tại khu Di tích danh thắng Yên Tử do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí thực hiện hơn 200 tỷ đồng từ nguồn công đức và xã hội hóa. Lễ khánh thành được tổ chức vào 10h30 ngày 07 tháng 12 năm 2018.

HT. Thích Gia Quang cho biết, Đại lễ tưởng niệm năm nay có hai hoạt động trọng điểm, đó là Lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học, để đánh giá đúng vai trò của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua anh minh, có công to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Đại Việt; đồng thời là sơ tổ của phái thiền Trúc Lâm, phái thiền rất đặc biệt, mang màu sắc rất riêng của người Việt Nam. Ngoài ra còn một số công trình chào mừng, khâu chuẩn bị cho đến ngày hôm nay cũng đã cơ bản hoàn thành.

Câu hỏi của các phóng viên, cơ quan thông tấn báo chí chủ yếu xoay quanh đến phần nội dung của Hội thảo khoa học, kinh phí xây dựng cũng như hoạt động của Cung Trúc Lâm sau khi hoàn thiện và vé cáp treo tại Yên Tử, Ngọa Vân, phí vãng cảnh cho nhân dân, Phật tử tín đồ dịp giỗ tổ này.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Thông tấn xã Việt Nam về việc hội thảo năm nay có công bố những nội dung gì mới hơn so với những tư liệu trước đây về Phật hoàng hay không, PGS. TS. Lại Quốc Khánh – Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cho biết: “Thứ nhất, những hội thảo, công trình nghiên cứu về Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông thì có rất nhiều, nhưng qua nghiên cứu rất kĩ những bài tham luận của các học giả trong cả nước thì tôi thấy năm nay có những điểm rất đáng lưu ý. Đó là, trên cơ sở những thành tựu cũ, hội thảo lần này xuất hiện những công trình nghiên cứu rất sâu về những giá trị đặc sắc, đặc biệt là về triết học, Phật học – những tinh túy trong tư tưởng văn hóa của Phật hoàng và Phật giáo Trúc Lâm. Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu ứng dụng để có thể khai thác, phát huy những giá trị đặc sắc đó nhằm giải quyết những vấn đề đang rất cấp bách của xã hội đương đại, có những vấn đề mang tính chất toàn cầu.

Thứ hai, hội thảo năm nay có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, hiện nay đã có 34 tham luận của các học giả nước ngoài trên tổng số 135 tham luận, và những tham luận đó đến từ nhiều quốc gia có những thành tựu nghiên cứu rất đặc sắc về Việt Nam và Phật học như: Mỹ, Pháp, Nga, Ấn Độ v.v.., những công trình đó không chỉ ca ngợi, tôn vinh những giá trị đặc sắc trong di sản  tư tưởng Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm mà còn thông qua những so sánh, những nghiên cứu đồng đại, niên đại, nghiên cứu những giá trị sức sống, những giá trị mang tính nhân loại có sự cộng hưởng rất lớn.”

PV Báo Nhân Dân mong muốn Viện Trần Nhân Tông tiết lộ thêm về hội thảo lần này, với 34 tham luận từ quốc tế, tại sao nhiều nhà khoa học quốc tế lại biết về Phật hoàng như vậy, họ dựa trên nhưng nguồn tư liệu nào? Và những tham luận ấy xoay quanh những vấn đề gì? PGS.TS Lại Quốc Khánh cho biết, các học giả, các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận từ rất nhiều nguồn thông tin, thông qua các hội thảo trong nước đã tổ chức, qua kênh truyền thông của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và sự nghiên cứu của riêng họ về Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn hết là bởi những giá trị tư tưởng đặc sắc của Phật hoàng đã trở thành những nét rất riêng của văn hóa và con người Việt Nam, tạo nên sức lan tỏa không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Các bài tham luận đó gồm 2 nhóm chính: Một là nghiên cứu về Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm từ góc độ tiếp cận lịch sử. Hai là công trình nghiên cứu có tính chất so sánh, trình bày sâu về vị trí, vai trò của Phật giáo trong đời sống quốc gia họ, và từ đó so sánh với Việt Nam, có liên hệ với thời Phật hoàng Trần Nhân Tông.

PGS. TS. Lại Quốc Khánh trả lời

PV Trà Vân – Đài truyền hình Việt Nam đặt câu hỏi về nguồn kinh phí để xây dựng Cung Trúc Lâm đến từ đâu? TT. Thích Thanh Quyết cho biết, dự án Cung Trúc Lâm khoảng trên 200 tỷ đồng, từ nguồn tiền công đức của Phật tử, tín đồ thập phương trong cả nước. Qua nhiều năm được tích lũy lại và cho triển khai xây dựng. Ngoài ra, BTS phải vận động thêm từ các đơn vị, doanh nghiệp khác cùng vào cuộc: Tập đoàn Dầu khí, tập đoàn Viettel, tập đoàn Điện Lực, tập đoàn Viettin bank v.v.. Nhờ đó mà mới xây dựng được các công trình lớn như chùa Đồng, bảo tượng Phật hoàng trên An Kì Sinh v.v.. Thượng tọa cũng cho biết thêm Cung Trúc Lâm sau khi hoàn thành sẽ là nơi quảng bá tất cả những giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.

TT. Thích Thanh Quyết trả lời

Về câu hỏi vé cáp treo năm nay được đại diện công ty Tùng Lâm (bên Yên Tử) và cáp treo Tâm Đức (bên Ngọa Vân) trả lời: Các đại biểu khách mời sẽ được miễn vé cáp treo, còn nhân dân, Phật tử tín đồ bên Yên Tử, ngày mùng 1/11 đại lễ chính sẽ được giảm 50%, tức còn 150.000 đồng/4 chặng. Bên Ngọa Vân, lễ tưởng niệm chính ngày 30/10, được giảm khoảng 30%, tức còn 120.000 đồng/2 chặng.

Về việc thu phí vãng cảnh, TT. Thích Đạo Hiển – Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết, BTC đã gửi văn bản yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh không thu phí vãng cảnh dịp giỗ Phật hoàng, vì Phật tử tín đồ khắp nơi về để lễ Phật chứ không phải về vãng cảnh. Việc thu phí, bán vé là trái pháp luật. Song đến nay, UBND tỉnh chưa có câu trả lời. Ngoài ra vào dịp giỗ tổ, BTC cũng sẽ chuẩn bị 3 vạn suất cơm hộp miễn phí cho quý Phật tủ, tín đồ về với Yên Tử, Ngọa Vân.

Trước khi kết thúc buổi họp báo, HT. Thích Gia Quang thay mặt BTC kính mời tất cả các cơ quan thông tấn báo chí tới tham dự đại lễ và đưa tin, quảng bá để những giá trị di sản, văn hóa tư tưởng của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm càng được nhiều người biết đến.

Nguồn: Phatsuonline.com - Cao Đăng Nguyệt

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu