Quang lâm chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Thanh Hiện – Ủy viên Hội đồng Trị sự (HĐTS), Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTS GHPGVN) tỉnh Hưng Yên; TT. Thích Thanh Nguyên – Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Hưng Yên, Trưởng BTS Phật giáo huyện Văn Lâm; TT. Thích Nguyên Pháp – Trụ trì chùa Nguyên Pháp, tỉnh Thừa Thiên Huế; ĐĐ. Thích Nguyên Bình – Trụ trì chùa Mục Đồng, Trưởng BTC đại lễ; cùng đông đảo chư Tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh Hưng Yên đồng về tham dự đại lễ.
Về phía khách mời có sự hiện của: Ông Bùi Thế Đức – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ, tiến sỹ Văn học; Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn – nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Bang Nga, nguyên Chủ nhiệm Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài, nguyên Chủ tịch Ủy ban Unesco Việt Nam; Tiến sỹ Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; Thiếu tướng Phạm Ngọc Hà – Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân; ông Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập báo Người Hà Nội; ông Đào Ngọc Thịnh – Vụ trưởng, Chủ tịch Công đoàn Bộ Lao động Thương binh xã hội; Thiếu tướng Đào Ngọc Hùng – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cục trưởng Cục ngoại tuyến Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Ngư – Bộ Công an; Đại tá Đỗ Văn Lực – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh; Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cùng các đồng chí đang công tác tại Bộ Công an, các đồng chí đại diện cho các ban ngành TƯ, lãnh đạo địa phương và đông đảo quý Phật tử, quý thiện nam tín nữ gần xa đồng tham dự.
Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, một phút nhập từ bi quán tưởng nhớ đến chư lịch đại Tổ sư, các vị lãnh tụ cách mạng, các anh hùng liệt sỹ đã có công với Tổ quốc, TT. Thích Thanh Nguyên – Ủy viên Thường trực GHPGVN tỉnh Hưng Yên, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTS GHPGVN) huyện Văn Lâm đã tuyên đọc Thông điệp Phật đản PL. 2563 – DL. 2019 của Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ gửi chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, ông Vũ Văn Dương – Tổ trưởng tổ dân phố Yên Xá, Trưởng Ban xây dựng và kiến thiết chùa Mục Đồng giới thiệu tóm tắt về nguồn gốc, lịch sử chùa Mục Đồng. Theo đó, chùa Mục Đồng nằm ở vùng châu thổ sông Hồng, Hưng Yên ngàn năm văn hiến, tổ dân phố Yên Xá ngày nay, làng Yên Xá xưa là một ngôi làng cổ có từ lâu đời, trong đó có các địa danh nổi tiếng như: Chùa Bà Đầu – nơi thờ Phật và thờ Thánh Mẫu Pháp Vân, chùa Mục Đồng – nơi bà con và nhân dân thường lui tới lễ Phật, lễ Thành cầu tự (cầu con). Tương truyền trên mảnh đất linh thiêng này có một ông họ Trương và bà họ Tạ ở Phủ Long Biên khi xưa đã về chùa Mục Đồng cầu tự và sinh ra được 3 Ngài là Bản cảnh, nhân Thần, phù Trưng Nữ Vương đánh giặc phương Bắc, được dân làng phụng thờ và chính là Thành Hoàng Làng.
Trải qua chiến tranh, loạn lạc nên ngôi chùa Mục Đồng đã bị tàn phá không còn nguyên vẹn. Đến năm 2017, nhờ có nhân duyên lớn, đồng thời thể theo nguyện vọng của các cụ bô lão trong làng, cùng nguyện vọng của Phật tử và nhân dân địa phương, tổ dân phố Yên Xá đã cung thỉnh ĐĐ. Thích Nguyên Bình về trụ trì, hướng dẫn bà con Phật tử, nhân dân địa phương tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh và giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, đặc biệt là hiện nay Đại đức trụ trì đang nhận nuôi dạy rất nhiều trẻ nhỏ bị bỏ rơi … Không những thế, trong gần 2 năm vừa qua, Đại đức trụ trì đã cùng Phật tử, nhân dân địa phương kêu gọi các nhà hảo tâm, các ban ngành đoàn thể gần xa, người góp công, người góp của xây dựng lại ngôi Đại hùng Bảo Điện chùa Mục Đồng để bà con, Phật tử và nhân dân địa phương có nơi tu học, sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa, tâm linh. Song hiện nay, hệ thống tượng Phật tại chánh điện vẫn còn thiếu rất nhiều, nên ĐĐ. Thích Nguyên Bình đã cùng Phật tử, nhân dân địa phương tổ chức lễ đúc Tòa Cửa long và kim thân Phật tượng Thích Ca Mâu Ni sơ sinh có tổng trọng lượng gần 5 tấn.
Theo kiến trúc thờ tự của các chùa miền Bắc, thì tại chính điện Tòa Cửu Long Phật Thích Ca sơ sinh thường được bài trí ngay sau vị trí của lư hương, tòa Cửu Long có 9 rồng uốn lượn trong mây ngũ sắc, chín rồng này phun nước chầu vào và tắm cho Đức Thế Tôn lúc Đản sinh, nên tượng còn được gọi là tượng Thích Ca sơ sinh hay Tòa Cửu Long. Khi Phật Thích Ca sơ sinh ngoài việc xuất hiện 9 rồng phun nước để tắm cho Ngài thì còn có các tầng trời được mở ra và chư thiên mừng rỡ, cõi Phật hoan hỷ. Sau khi tắm xong, Phật đi 7 bước và dưới chân nở ra 7 đóa hoa sen. Một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống dưới đất và tuyên bố: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất chỉ có ta là tôn quý nhất). Sau khi nói xong, Ngài lại nằm xuống như một đứa trẻ. Đó chính là ý nghĩa của Tòa Cửu Long Phật Thích Ca sơ sinh.
Dịp này, ĐĐ. Thích Nguyên Bình đã đón nhận những lẵng hoa chúc mừng Phật đản từ BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên, các ban ngành đoàn thể TƯ cũng như địa phương. Đồng thời, trao quà từ thiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em nhỏ không nơi nương tựa, người già neo đơn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sỹ Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ đã chia sẻ về hình tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh, ý nghĩa tắm Phật, cũng như những thành tựu đã đạt được của Phật giáo Việt Nam trong những năm vừa qua. Đặc biệt là vừa qua, GHPGVN đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo chùa Tam Chúc – tỉnh Hà Nam từ ngày 12 – 14/05/2019 với sự tham dự của 116 quốc gia, với hơn 1500 đại biểu chính thức đến từ các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhân dịp này, HT. Thích Thanh Hiện – Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên đã ban đạo từ tán thán công đức của Đại đức trụ trì, nhân dân địa phương. Đồng thời, Hòa thượng cũng nhắc lại cho các Phật tử hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của sự kiện Đức Phật Thích Ca đản sinh và ý nghĩa của của việc đúc tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sơ sinh.
Trước khi kết thúc buổi lễ, chư Tôn đức Tăng Ni, các cấp chính quyền và toàn thể đại chúng đã niêm hương bạch Phật, cầu nguyện Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, làm lễ tắm Phật truyền thống, cử hành nghi lễ trì chú rót đồng đúc Tòa Cửu Long, kim thân Phật tượng Thích Ca Mâu Ni sơ sinh và trồng cây lưu niệm tại khuôn viên chùa Mục Đồng trong niềm hoan hỷ của tất cả những người con Phật có mặt tại buổi lễ.
Xin giới thiệu hình ảnh ghi nhận:
Quang cảnh buổi lễ
Thành Trung - Nguồn: Phật Sự Online
|
|