GNO - Sáng nay, mùng 1-11-Kỷ Hợi (26-11-2019), GHPGVN TP.HCM đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm 711 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết-bàn (1308-2019).
Quang cảnh lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông tại TP.HCM
Buổi lễ được cử hành tại chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn), cơ sở mới vừa được kiến thiết trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN TP quản lý, tọa lạc ở số 1, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Tham dự có Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Trưởng BTS GHPGVN TP.HCM; cùng chư vị giáo phẩm HĐCM: HT.Thích Như Niệm, HT.Thích Giác Tường, đồng UVTT; HT.Thích Như Tín, HT.Thích Tịnh Hạnh, đồng Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN TP.
HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư; HT.Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư; cùng chư tôn đức HĐTS, Ban, Viện T.Ư; BTS TP và 24 quận, huyện, các ban chuyên môn trực thuộc, Hội đồng Điều hành và Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, chư Tăng Ni các tự viện và Phật tử tham dự.
Ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy cùng đại diện các cơ quan chức năng TP, huyện Bình Chánh và xã Lê Minh Xuân sở tại đến dự lễ.
Tôn ảnh và không gian tưởng niệm tại chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn)
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là một lãnh tụ thiên tài, vị vua anh minh, anh hùng dân tộc; sau khi hoàn thành vai trò lịch sử, xuất gia và sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, người chủ trương tư tưởng Phật giáo nhập thế “cư trần lạc đạo” cho Phật giáo Việt Nam, dòng chảy được kế tục xuyên suốt đến hôm nay.
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 7-12-1258 (11-11-Mậu Ngọ), con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Ngài thấm nhuần tư tưởng Phật giáo rất sớm, đặc biệt từ người thầy trực tiếp là Tuệ Trung Thượng Sĩ.
Năm 21 tuổi (1279), Thái tử Trần Khâm chính chức được truyền ngôi trở thành hoàng đế, lấy hiệu là Thiệu Bảo. Là lãnh tụ thiên tài, nhà vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt bảo vệ nền độc lập, đẩy lùi các cuộc chiến tranh xâm lăng của Nguyên – Mông năm 1285, 1288. Đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp, ngài đã củng cố triều đình, phủ dụ, đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển đất nước trong thời hậu chiến. Năm 41 tuổi (1293), ngài nhường ngôi cho Trần Anh Tông và làm Thái Thượng Hoàng - cố vấn.
Sau khi chinh phạt Ai Lao (1294), ngài trở về Hành cung Vũ Lâm - Ninh Bình, cầu Quốc sư Huệ Tuệ làm lễ xuất gia, tập sự tu hành tại đây một thời gian. Năm 1301, ngài hạ sơn, đi thăm hữu nghị đất nước Chiêm Thành, tạo lập mối quan hệ hợp tác, hòa bình, hữu nghị với các nước lân bang, trở về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường giảng kinh, thuyết pháp, mở hội đại thí vô lượng cho nhân dân.
Chư Trưởng lão và quan khách dâng hương tưởng niệm
Năm 1304, ngài đi khắp nước Đại Việt, khuyến khích người dân giữ năm giới, mười thiện nghiệp, loại bỏ những tập tục mê tín dị đoan.
Năm 1307, ngài truyền y bát lại cho tôn giả Pháp Loa, sau này được tôn xưng là Sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Trong thời gian đó, ngài thường lui tới chùa Báo Ân Siêu Loại, Sùng Nghiêm Hải Duơng, Vĩnh Nghiêm Lạng Giang, chùa Từ Lâm, Quỳnh Lâm Đông Triều để giảng kinh, thuyết pháp và chứng minh các lễ hội.
Ngài đã để lại di sản tư tưởng giá trị được kết tập trong: Trần Nhân Tôn thi tập, Đại Hương Hải Ấn thi tập, Tăng-già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ, Trung hưng thực lục, Truyền đăng lục… Tư tưởng nhập thế hành đạo của ngài được cô kết trong bài phú bằng chữ Nôm “Cư trần lạc đạo” - Vui đạo giữa đời, trở thành cương lĩnh về hành động cho Phật giáo Việt Nam.
Ngài nhập diệt vào ngày 1-11-Mậu Thân (1308), trụ thế 51 năm, tại am Ngọa Vân - Đông Triều - Quảng Ninh. Xá-lợi của ngài thờ ở Lăng Quý Đức phủ Long Hưng (Thái Bình) và chùa Vân Yên - Yên Tử (Quảng Ninh), lấy hiệu là Huệ Quang Kim tháp, sau đó được hậu thế dâng thánh hiệu là Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Phật Tổ.
Cũng trong những ngày này, tại Yên Tử (Quảng Ninh) và các tỉnh thành khác, Giáo hội các cấp đã tổ chức lễ tưởng niệm nhà lãnh tụ thiên tài, vị Phật của Việt Nam với các nghi lễ truyền thống thiêng liêng, trong tinh thần tri ân tiền nhân đã tạo dựng nền tảng tư tưởng cho Phật giáo Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc hơn 700 năm qua.
Sau đây là những hình ảnh về buổi lễ vừa diễn ra vào lúc 8g sáng nay, do PV Báo Giác Ngộ thực hiện:
Lần đầu tiên lễ tưởng niệm được tổ chức tại chùa Thanh Tâm, một trong ba cơ sở tự viện do BTS TP quản lý
Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng
Cùng chư vị giáo phẩm, quan khách dâng hương
Đảnh lễ Đức Sơ Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử
TT.Thích Lệ Trang dẫn lễ
Chư Tăng Ni BTS TP và các quận, huyện
Chư Ni trưởng và Ni giới, đại biểu
Đại diện các cơ quan chức năng
Buổi lễ cử hành tại giảng đường lớn
Hướng về tưởng niệm vị Phật của Việt Nam
Quang cảnh trang nghiêm
Ban Thư ký BTS GHPGVN TP.HCM cảm tạ
Khoảng 1.000 Tăng Ni tham dự lễ tưởng niệm sáng nay
Chùa Thanh Tâm, dân gian gọi là "chùa Phật Cô Đơn" vừa được tái xây dựng toàn bộ
Nguồn: Giác Ngộ - Quảng Hậu - Bảo Toàn