Mình không phải là y, bác sĩ để xông pha tại tuyến đầu để điều trị và giúp đỡ bệnh nhân, càng không phải là các chiến sĩ, công an, bộ đội biên phòng để canh giữ các chốt. Thế thì cách tốt nhất là hãy ở yên tại nhà, tu tập, hướng tâm cầu nguyện cho nhân sinh bớt khổ đau và chết chóc khi lỡ mắc phải bệnh, nguyện cầu cho đại dịch chóng qua.
Lại có thời gian chiêm nghiệm lời Phật dạy, cuộc đời là vô thường, mạng sống con người mong manh, ngắn ngủi, một hơi thở ra không trở vào lại thì đã qua đời khác. Thế nên phải nỗ lực làm bất cứ điều gì khi chúng ta còn có thể. Hướng về đại dịch, thiết nghĩ chúng ta không chỉ cầu nguyện không là đủ, mà phải nhìn đại dịch bằng mắt Tuệ và năng lượng Từ Bi.
Thời gian gần đây, nhiều báo đài và tổ chức hội thảo quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về nạn biến đổi khi hậu, chặt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, khói xe, khói các nhà máy và tiếng ồn. Thế nhưng con người lại dửng dưng coi như đó không phải là chuyện liên quan mà mình cần quan tâm, ngang nhiên hủy diệt môi trường bằng mọi hình thức có thể để thu lợi nhuận về cho bản thân.
Trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy về lý duyên sinh như sau: “
Tất cả các pháp đều do duyên khởi và phụ thuộc lẫn nhau, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt, không một pháp nào có thể tồn tại độc lập trong thế giới này, cho đến một hạt bụi nhỏ nhất, với một cõi thế giới to nhất trong vũ trụ cũng đều có sự tương quan mật thiết với nhau.”. Như thế, một cá thể không thể sinh ra, tồn tại và hủy diệt một các độc lập mà nương nhờ đến vô số các yếu tố xung quanh. Mà hai hình ảnh cụ thể dễ thấy theo thuật ngữ Phật Giáo đó là y báo và chánh báo. Chánh báo là con người, y báo là thế giới xung quanh. Con người nhờ trao đổi khí oxy và khí carbonic với loài cây mới tồn tại và phát triển. Con người nếu thiếu oxy thì sẽ chết, và ngược lại cây thiếu khí carbon thì cũng không sống nỗi. Cho nên khi chặt phá cây rừng, là làm giảm bớt khí oxy, ô nhiễm môi trường thì tăng thêm khí carbon. Như vậy chỉ vì không ý thức được giá trị hỗ tương theo giáo lý Duyên Sinh Phật dạy, mà mình đã tự hủy diệt chính mình và những người xung quanh.
Và con người luôn tự hào là cái rốn của vũ trụ, là thông minh nhất, trí tuệ nhất trong năm loại chúng sanh (trừ cõi trời), có khả năng hô phong hoán vũ, nắm quyền sinh sát mọi loài trong tay. Thế rồi, trận đại dịch lần này xảy ra, con người mới hoảng sợ và giật mình, khi thấy mình còn quá bé nhỏ mong manh giữa vũ trụ bao la rộng lớn. Con người tuy lớn, nhưng lại bị một con virus bé nhỏ li ti, không nhìn thấy được, hủy hoại một cách nhanh chóng và khủng khiếp.
Trong Phật Giáo có câu: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát chính là bậc Trí Tuệ, trước khi tạo nhân đã dùng trí tuệ soi rọi và quán chiếu thấy rất rõ về kết quả của nhân ấy. Nếu quả đó đem lại khổ đau cho mình và cho người thì Bồ Tát sẽ không làm. Còn chúng sanh thì ngược lại, vì vô minh che lấp nên không thể nhìn thấy rõ những gì chưa xảy ra, lại cộng thêm bị tham lam và dục vọng thúc đẩy nên chỉ thấy cái lợi trước mắt chứ không hề nhìn được hậu quả về sau. Thế rồi khi quả khổ đến lại hoảng sợ, lo lắng, than trời trách đất.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, kể câu chuyện rằng vào thời Đức Phật, khi dịch bệnh xảy ra, có một gia chủ trình thưa với Đức Phật vì sao ngày nay làng mạc xơ xác, hạn hán, dịch bệnh, nhiều người mạng chung. Đức Phật dạy: “…
Lại nữa, này Bà-la-môn, ngày nay, các loài người bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, và bị ác tham chinh phục, bị các tà kiến chi phối. Vì bị tham ái phi pháp làm cho say đắm, vì bị ác tham chinh phục, vì bị tà kiến chi phối, các loài Yakkha (Dạ-xoa) thả ra các loài phi nhân dữ tợn. Vì vậy, nhiều người mạng chung. Đây là nhân, này Bà-la-môn, đây là duyên, ngày nay loài người bị tiêu diệt, bị giảm thiểu trông rõ như thế, các làng trở thành không phải làng, các thị trấn trở thành không phải thị trấn, các thành phố trở thành không phải thành phố, các quốc độ trở thành không phải quốc độ.”
Cho nên khi con người phá hoại môi sinh, tàn hại động vật hoang dã nói riêng và các loài chúng sanh có tình thức nói chung đến mức độ tận cùng, thì khi đó quả báo chúng ta phải chiêu cảm là môi trường và chúng sanh trở ngược lại tàn hại chúng ta. Đó là định luật tất yếu.
Khi dùng trí tuệ quán chiếu, Đức Phật thấy rằng tất cả chúng sanh đều bình đẳng như nhau, đều tham sống sợ chết. Vì thế Đức Phật dạy các đệ tử nên ăn chay để tăng trưởng lòng Từ Bi, bảo vệ và tôn trọng sự sống của muôn loài. Khi chúng ta không đan tâm giết hại sinh vật để ăn, luôn bảo vệ mạng sống của chúng thì chắc chắn các chúng sanh đều gởi ngược lại cho ta một năng lượng bình an và không xâm phạm và đe dọa đến mạng sống của mình. Qua khảo sát hơn 2.800 cơ sở y tế tại 6 quốc gia, các nhà nghiên cứu cho rằng chế độ ăn thuần thực vật có thể giúp giảm 73% nguy cơ mắc bệnh nặng do SARS-CoV-2. Dưới lăng kính khoa học và y học thì họ cho rằng ăn thuần thực vật sẽ cung cấp đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh. Nhưng dưới cái nhìn tuệ giác của Phật Giáo qua định luật nhân quả, thì chúng ta không vay nợ máu của chúng sanh thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải trả quả báo chết chóc hay bệnh tật đến từ sự oán hận của chúng sanh.
Trí Tuệ và Từ Bi của Đạo Phật là hai nền tảng căn bản giúp hành giả Phật Giáo tiến xa hơn trên con đường giải thoát và giác ngộ. Tinh thần ấy được thể hiện một cách rõ ràng qua từng hành động và cư xử hàng ngày của các Tăng Ni Phật tử trong mọi thời đại. Làn sóng đại dịch thứ tư xảy ra tại Việt Nam, tinh thần ấy lại một lần nữa được thể hiện một cách rất rõ nét và đặc thù bằng những hình ảnh các chiến sĩ công an, bộ đội, y bác sĩ tuyến đầu xông pha chống dịch bất kể ngày đêm. Những hộp cơm, thùng mì, túi gạo chuyển đến cho những vị này hoặc những nơi bị phong tỏa, cách ly, từ tấm lòng thơm thảo của người dân.
Trận đại dịch lần này làm cho thế giới gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế xuống dốc trầm trọng, con người cảm thấy hoang mang lo sợ rất nhiều điều. Tuy nhiên quý vị hãy bình tâm sáng suốt nhận ra được điều gì đáng sợ và điều gì không đáng sợ. Đáng sợ nhất chính là tâm tham lam, ích kỹ, dục vọng của mình đã thúc đẩy mình tạo ác nghiệp để rồi phải lãnh lấy quả báo khổ. Thế thì hãy kiểm soát, chuyển hóa lòng tham dục của mình bằng cách sống thuận theo duyên và hoàn cảnh. Thời gian giãn cách xã hội là thời gian rất cần thiết để chúng ta sống chậm lại, sống với chính mình nhiều hơn, để quán sát và chuyển hóa những tâm hành tiêu cực, mở rộng tâm từ, biết lắng nghe và sẻ chia nỗi khổ niềm đau của người khác bằng tinh thần Từ Bi Phật đã dạy. Hạn chế đi ra đường, nếu thật sự cần thiết thì thực hiện đầy đủ 5K. Nếu làm được tất cả những điều này, chắc chắn chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình an, thoát khỏi mọi lo âu sợ hãi, tâm bất biến giữa dòng đời đầy biến động.
Mùa An cư năm nay, mùa nỗ lực tu tập và chuyển hóa nội tâm của hàng Tăng Ni, lại rơi vào lúc đại dịch bùng phát dữ dội trên cả nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực tu tập để có đủ năng lượng chuyển đến cầu nguyện cho thế giới sớm vượt qua đại dịch, nhân dân ấm no hạnh phúc, chúng sanh thấm đượm tinh thần Trí Tuệ và Từ Bi của Đạo Phật để đem lại an lạc hạnh phúc cho chính mình và tha nhân.
Nguyên Ngộ, ngày 19/06/2021
TT. Thích Nhuận Quang