Người trụ trì là nơi nương tựa tâm linh cho đại chúng, là người giữ gìn mạng mạch Phật pháp. Dẫn đầu đại chúng trong việc tu học, người phát tâm tu học hạnh Bồ tát, mang hạnh nguyện sống vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông. Vị trụ trì luôn đối diện và bắt buộc phải chiến thắng, chuyển hóa những tập nghiệp của chính mình thành trở thành đạo nghiệp vững chắc, để từ đó động viên khích lệ hội chúng cùng tấn đạo nghiêm thân. Người có vị trí cao càng phải cân nhắc và cẩn trọng mọi lời nói. Do quán chiếu thường xuyên lời nói, hành động và suy nghĩ của mình, người giữ vai trò Trụ trì ngày càng tinh tiến trên lộ trình tu tập.
Trong công tác hoằng pháp, đòi hỏi người Trụ trì phải có phần nội chứng nhất định. Sứ giả Như Lai không chỉ thuyết giảng trên ngôn ngữ mà còn thể hiện cuộc sống đạo, mới có thể cảm hóa quần chúng. Là người quản lý già lam, nhất định vị trụ trì phải có tâm bao dung độ lượng để dung nhiếp đại chúng, tiếp nhận những người khổ đau đến với cửa thiền. Với tâm từ bi hỷ xả, vị trụ trì luôn sẵn sàng tha thứ và tiếp độ chúng đệ tử cang cường, giúp họ chuyển hóa trở nên tốt đẹp.
Để hoàn thành sứ mạng trụ trì thì kiến thức tổ chức, quản lý tự viện và cách thức tiếp đãi thập phương tín thí càng phải thông suốt. Trụ trì là linh hồn của già lam, hình ảnh vị trụ trì luôn in dấu sâu đậm trong mọi sinh hoạt của tùng lâm và trong lòng đại chúng.
Cho nên người không đủ đạo đức, công phu không cao dày, tâm lực không hùng mạnh thì không thể gánh vác nổi trách vụ này. Đây là một đại hạnh đại nguyện, chớ không phải việc tầm thường. Một bậc thầy, một vị lãnh đạo đầy đủ đạo đức, trí tuệ và hết lòng vì đạo pháp, mới có thể viên mãn công đức tu hành.
Ban Thông Tin Truyền Thông PG - Liên Trang