Nhà làm nông, công việc nương rẫy cần sức vóc mà anh Hai thì thích đi chùa hơn ở nhà. Một tuần có bảy ngày thì anh Hai ở chùa hết năm ngày. Ba càu nhàu:
- Chùa là nơi người ta tới lạy Phật, tới chơi khơi khơi tốn cơm chùa.
Má dọa:
- Ăn chực cơm chùa hoài mà không làm gì mang tội đó con à.
Anh Hai cười hì hì, chẳng nói năng gì.
Hạt giống bồ-đề trong anh Hai đã có từ lâu nhưng đợi Út lớn anh mới đi tu - Ảnh minh họa
Anh đi tới vườn nhà có cây bơ hột lép xin mấy trái về lấy hột ươm cây. Nghe nói nhà thôn trưởng có cây xoài rất ngọt, anh tới xin chiết cành. Rồi thì ươm cây mít cây ổi xá lị cây mãng cầu... Cả cây hoa sứ nữa.
Thấy anh Hai chăm chú mấy cái mầm nhu nhú, má cười:
- Được đó. Để má bàn với ba cho con riêng sào đất trồng cây trước, mai mốt lấy vợ làm nhà thì có sẵn trái tha hồ ăn, có sẵn bóng mát nữa.
Là má nhắc khéo chuyện vợ con, anh Hai cười hì hì. Khi mấy cái mầm thành cây con thì anh Hai bưng hết lên chùa, còn hốt theo bao phân má ủ sẵn ngoài vườn đem theo để bón cho cây mau lớn.
Má nhìn theo anh Hai chở mấy cái cây con và bao phân mà thở dài vì giấc mơ được có cháu nội mà bồng bế như người ta ngày càng xa mù.
*
Mùa nông nhàn đã đành, tới mùa thu hoạch, má dặn trước:
- Bẻ bắp hái đậu xong còn đợi phơi phóng khô khan rồi muốn đi đâu hẵng đi nghe chưa.
Nghe là hiểu ý má dặn muốn đi chùa thì cũng phải xong việc nhà cái đã.
Anh Hai “dạ dạ”. Buổi sáng má và tôi quét sân trải bạt, còn ba và anh Hai vác từng bao đậu bao bắp đổ ra phơi, đợi tới chiều tắt nắng thì hốt đem vô nhà. Cứ vậy, tới ngày thứ tư, đang hy vọng được thêm một ngày nắng đẹp nữa là ngon lành thì giữa trưa mây đen ùn ùn kéo tới.
- Trời ơi - anh Hai la lên - Hôm nay chùa cũng phơi đậu mà chỉ có một mình Sư bà.
Rồi anh Hai chạy biến.
May mà có nhà hàng xóm chạy qua phụ giúp kịp đem mọi thứ vô nhà trước khi trời đổ mưa lớn. Má tủi thân:
- Nhà có con trai mà phải nhờ hàng xóm.
Ba giận ghê lắm. Thấy ba hết nhìn ra đường rồi nhìn cái cào dựng ở góc nhà, tôi ớn lạnh, tưởng tượng tới lúc ba đập cái cào vô người anh Hai. Trời mưa càng lúc càng to, anh Hai về, tóc tai mặt mũi mình mẩy ướt lướt thướt...
- Sao không kiếm cái áo mưa mà mặc hả? - Má gắt lên - Đổ bịnh thì sao?
Má thở phập phồng, vừa giận vừa thương. Rồi má giấu cái cào đi.
Sáng hôm sau, anh Hai chuộc lỗi bằng cách làm luôn phần việc của tôi là quét sân, còn xăng xái ra chợ bưng về mấy thúng măng tươi má mua để xắt phơi. Rồi hỏi hôm nay má có cần xay đậu xanh cà không? Hỏi ba có cần đi chặt tre về dựng giàn trồng mướp không?... Tóm lại là anh tứng lựng làm này làm kia khiến ba má mềm lòng mà hết giận.
Phơi măng để dành Tết bán, kỳ công nhất là phải trở mặt từng lát để măng khô đều mà thẳng đẹp. Giữa trưa, má kêu anh Hai ra sân trở mặt măng, không nghe trả lời, tưởng anh ngủ. Nhìn vô giường thì thấy trống không.
Anh lại biến lên chùa rồi.
*
Ngày nông nhàn ba xoay ra làm thợ mộc, anh Hai học theo nghề của ba. Khi cầm cái bào cái đục đã cứng tay, anh Hai nói:
- Không sợ ăn chực cơm chùa hoài mang tội nữa, có việc để làm rồi.
- Làm gì? - Ba hỏi.
- Chùa mình cũ kỹ, thiếu gì chỗ cần sửa sang.
Bữa trước anh kể mới vá lại cánh cửa bị mọt đục, bữa sau anh kể mới đóng nẹp mấy cái chân bàn chân ghế bị lung lay. Anh nói ngày mai sẽ kiếm ván bìa tận dụng làm hàng rào, và giàn hoa nữa.
Ba lắc đầu:
- Muốn làm nhiều việc vậy thì kiếm tiền để sắm đồ nghề riêng chớ ngày nào cũng cầm bộ đồ nghề đi thì lấy gì cho người khác làm việc ở nhà hả?
Xưng hô “người khác” là ba bực ghê lắm. Đã nói là vừa mới nhận đóng mấy chục bộ bàn ghế cho trường học. Gấp. Vậy mà thợ phụ là anh Hai chẳng hề quan tâm. Lại còn cười hì hì nhìn đống ván bìa của ba ở góc nhà. Cái kiểu này mà lỡ mái chùa bị dột thì anh Hai dám dỡ luôn mái nhà mình trám vô lắm!
- Thôi, mặc kệ đi, ông lo thuê thợ về mà làm cho xong kịp - má nói - Coi như con nó làm công quả luôn phần mình.
Dạo này mỗi khi thấy ba sắp nổi giận thì má vội can ngăn bằng cách đó, ba rơi vô thế há miệng mắc quai vì chẳng lẽ con cái đi làm công quả mà mình lại nổi giận.
- Lỡ có đứa nào thương nó thì tui với bà chỉ có việc chờ nghe sui gia mắng vốn - Ba bực bội bật ra câu quen thuộc.
Má thở dài. Chỉ cần anh Hai chịu lấy vợ, còn lại thì má sẽ bù đắp bằng cách cưng chiều con dâu hết lòng.
Nhưng hoài mà chẳng thấy có cô nào.
*
Tôi thi đậu đại học, đưa tôi về thành phố tìm phòng trọ, anh Hai thủ thỉ “Có chuyện này muốn nói với Út... mà thôi...”.
Kiểu nói năng này thật khác với tính hay cười hì hì thường ngày. Tôi lo lắng:
- Chuyện gì anh nói luôn đi.
- Ờ thì... thường thì học xong ai cũng muốn ở lại thành phố. Út nhớ tâm niệm là về với ba má nghe?
Nghe như là anh Hai đi đâu xa lắm. Tôi hỏi:
- Còn anh thì sao?
- Anh đi tu. Anh muốn đi từ lâu rồi mà đợi Út lớn. Út đậu đại học anh mừng lắm. Anh nhờ Út ráng học hành thành tài mai mốt thay anh phụng dưỡng ba má nghe.
Giọng năn nỉ của anh Hai khiến tôi bối rối, thấy thương và muốn gật đầu với anh nhưng đồng thời nỗi buồn cũng dâng lên. Bấy lâu mỗi tuần còn có được hai ngày nhìn thấy anh Hai lui tới trong nhà, còn từ nay là mãi mãi... Tôi nhớ những bữa ăn có mặt anh Hai, má bày ra nhiều món ngon để bù cho những bữa con trai mình không được ăn cơm má nấu, và cơm chùa thì đạm bạc thôi.
Chắc là má sẽ khóc. Còn ba, đàn ông không khóc, ba sẽ cắn quai hàm rồi cầm ấm trà mà rót từ ly này qua ly kia cho tới lúc chỉ còn một giọt lơ lửng ngay vòi và nắp ấm bật ra...
Tôi nữa. Sẽ không còn những khi tôi chạy vội ra vườn né người sau gốc cây mà nhắn tin báo động cho anh Hai biết “Về nhanh lên, ba đang tìm anh kìa.”...
*
Buồn. Rồi thì lo. Ba nói người tu thì thâm trầm sâu sắc, mà anh Hai vô tâm lắm. Má ừ, nói chi chuyện tu hành xa xôi, chỉ cần biết nghĩ như người ta thôi thì đã không làm cha mẹ phải buồn lo...
Anh Hai đi, còn lại mình tôi mà ngày nào đọc báo cũng thấy có chuyện này chuyện kia, thành phố sao mà nhiều cạm bẫy. Bàn đi tính lại, vườn tược là phần việc của má, ba về thành phố vừa chạy xe ôm kiếm tiền vừa coi ngó con gái luôn thể.
Ba chọn chỗ đậu xe đợi khách là bóng mát của cây bàng trên vỉa hè ngay trước cổng chùa đối diện trường tôi.
Ngôi chùa xập xệ, giữa khu dân cư mới có nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên khiến chùa càng lộ rõ sự cũ nát của căn nhà cấp bốn tường vôi loang lổ và mái ngói thấp tè giữa khoảng sân trống đầy cỏ rác. Chiều chiều thấy có sư cô trẻ tuổi nhổ cỏ dọn rác nhưng mấy hôm sau lại như cũ. Nghe nói bấy lâu nay chùa bỏ trống, sư cô mới về được mấy tháng. Những hộ dân quanh đó ban đầu ở nhờ rồi chiếm luôn đất chùa cả chục năm nay. Thấy có sư cô về, họ cố tình ăn ở ngày càng luộm thuộm.
Những khi vắng khách, ba nhìn ngó cổng chùa là hai tấm ván xiên xẹo gá vô bờ rào gỗ cũng xiên xẹo, rồi ba nhìn sư cô lom khom quét dọn và nhìn những hộ dân kia cứ tỉnh bơ quăng rác bừa bãi, cả thức ăn mặn dư thừa khiến bầy mèo hoang kéo tới và ruồi nhặng bu đầy, họ còn lớn tiếng với sư cô nữa.
Sư cô trẻ khiến ba nhớ anh Hai lắm. Chắc anh Hai cũng gặp nhiều khó khăn của người mới bắt đầu. Thật lòng thì nhiều lúc ba mong anh Hai đụng chuyện để thất vọng mà quay về, nhưng mà ngày ngày nhìn sư cô nhẫn nhịn dọn quét rác rưởi người ta cố tình xả ra, ba thấy thương, sợ sư cô nản lòng.
- Đừng buồn nhiều nghe.
Ba nói với sư cô mà tôi nghe như ba nhắn gởi anh Hai, chừng như tới lúc này ba mới thấu hiểu tâm nguyện của anh và con đường mà anh dấn bước.
Về thăm nhà, ba lấy ra bộ đồ nghề thợ mộc, ghé xưởng gỗ mua cây ván. Trước tiên là làm lại hai cánh cổng, rồi sửa sang hàng rào. Muốn dẹp bãi cỏ rác thì phải có cách khác, là biến nó thành vườn rau, ờ, trồng thêm mấy bụi sả phòng rắn rít côn trùng. Trồng hoa nữa...
Chuyến sau về thăm nhà, ba lấy theo ra cuốc xẻng và túi hạt giống. Má điện thoại hỏi tôi “Ba làm gì ngoài đó mà về nhà lấy đi đủ thứ vậy?”.
*
Đang cuốc cuốc xới xới, điện thoại trong túi reo reng reng, là khách mối gọi đi chở hàng. Ba nhìn quanh mình bày bừa ngổn ngang rồi ngước nhìn trời, bây giờ ngừng lại mà lỡ đổ mưa thì bầy hầy phải biết. Ngần ngừ một hồi thì ba nói với ông tài xế vắng khách “Đang lỡ tay. Ông chạy cuốc này đi”.
- Bác giúp việc chùa mà bị mất khách thì làm sao? - Sư cô áy náy.
- Có sao đâu - Ba trả lời - Coi như mất cuốc xe mà được phước bù lại là có lời rồi.
Là ba nói cho sư cô khỏi phải ngại thôi, nhưng nói xong thì ba chợt nhớ ra... Ờ, được chút phước nào thì ba sẽ hồi hướng hết cho anh Hai, bù lại những khi anh bị ba mắng mỏ.
Tối nào má cũng điện thoại hỏi han hai cha con hôm nay làm gì làm gì, nghe tôi kể hôm nay ba sơn lại tấm bảng tên chùa và nói thêm là ba siêng làm công quả để hồi hướng phước bù cho anh Hai, má cười “Ờ, đúng rồi đó”.
Tôi muốn điện thoại báo cho anh Hai biết là má chịu cười rồi để anh được yên lòng, mà gọi anh bằng thầy thì thật tình là tôi còn hơi bối rối.
Tôi bèn nhắn tin “Bữa nay nhà mình ai cũng vui”.
Nguyên Hương
Theo Giacngo
|
|