Kính thưa Đại hội, Năm nay (2022) là Đại hội bước vào khóa 9, cũng nhằm đánh dấu kỷ niệm 40 năm thành lập Phật giáo tỉnh Đồng Nai từ khóa I đến nay (1982 – 2022). Đây là sự kiện lịch sử mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, với tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam. Một chặng đường lịch sử trong nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp cho sự thành tựu chung của đất nước. Đặc biệt, Phật giáo tỉnh trải qua biết bao công lao to lớn của chư Tôn đức Tăng Ni buổi đầu đã hy sinh cho sự nghiệp xây dựng Giáo hội.
Người đầu tiên vận động sáng lập thành công Giáo hội tỉnh, đó là cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành – Nguyên Tăng Thống GHPGCTVN, Phó Pháp chủ GHPGVN, Trưởng ban BTS PG tỉnh Đồng Nai khóa I năm 1982, viện chủ Tổ đình Long Thiền. Nhìn lại những nhiệm kỳ qua, chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã về cõi Phật rất nhiều, như Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Khải, Đại lão Hòa thượng Thích Diệu Tâm, Hòa thượng Thích Huệ Hiền, Hòa thượng Thích Quang Đạo, Hòa thượng Thích Thiện Thuận (Chánh thư ký nhiệm kỳ I, năm 1982), Ni trưởng Thích Nữ Diệu Quang .v.v.. Hiện nay chỉ còn 3 vị Tôn túc đã hoạt động trong BTS xuyên suốt 40 năm qua, đó là Hòa thượng Thích Phước Tú, Hòa thượng Thích Huệ Tâm và Ni trưởng Thích Nữ Huệ Hương. Tuy nhiệm kỳ này đã nghỉ nhưng ân đức quý Ngài luôn sống mãi trong lòng Tăng Ni và đồng bào Phật tử tỉnh nhà. Xin thay mặt Đại hội, thành tâm truy niệm công đức chư Tôn đức đã hy sinh cho Phật sự xây dựng và phát triển 40 năm qua, kính chúc Tôn túc Tăng ni đã nghỉ và còn hiện tiền đạo thể khương an, chúng sinh dị độ, luôn là bóng cây đại thọ che mát cho hàng hậu bối chúng con, để Phật sự luôn được viên thành.
Kính thưa Đại hội, Qua bản báo cáo của BTS Phật giáo tỉnh đã thấy rõ sự thành công và phát triển của GHPGVN tỉnh nhà, từ ngày đầu thành lập Giáo hội năm 1982, BTS PG chỉ có 25 thành viên đến nay trên 70 thành viên BTS và có 12 ban, mỗi ban đều phát triển.
Đặc biệt Ban Tăng sự, từ năm 1982 cơ sở tự viện cả tỉnh Đồng Nai (có cả tỉnh Bà Ria – Vũng Tàu) chỉ có 247 cơ sở tự viện (Bắc tông có 215 cơ sở, Nam tông Kinh có 12 cơ sở, Nam tông Khrme có 01 cở sở, Khất sĩ có 19 cơ sở), tổng số Tăng ni trong tỉnh lúc bấy giờ là 465 vị. Đến hôm nay (2022) tổng cơ sở cả tỉnh có 1125 tự viện (gồm chính thức và chưa chính thức), hơn 6250 Tăng ni và trên 500 vị hàng giáo phẩm (Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng và Ni sư); đặc biệt có 16 hệ phái, tông môn tổ chức đang sinh hoạt chung mái nhà Giáo hội. Từ đó đến nay BTS đã tổ chức 17 đại giới đàn, nhất là khóa VIII đã tổ chức ba đại giới đàn, trên tám ngàn giới tử lãnh thọ giới pháp… Ban Giáo dục Phật giáo, buổi đầu tiên nhờ ân đức của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Thành (Nguyên Tăng thống GHPGCTVN, Phó Pháp chủ GHPGVN), vào thập niên 90 thế kỷ XX, Ngài cùng chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội đứng ra vận động thành lập Trường Cơ bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật học) tỉnh Đồng Nai và Ban Giám hiệu. Đến nay 32 năm (1990 – 2022), đã đào tạo gần 2.000 Tăng ni sinh có tài năng gánh vác sự nghiệp Phật giáo, đồng thời đáp ứng sự phát triển của xã hội hiện tại. Có những vị đã Tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Cao đẳng Phật học và đang phục vụ cho Giáo hội từ Trung ương đến các tỉnh, thành và địa phương. Trường Trung cấp Phật học Đồng Nai, được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khen tặng là Trường điểm của 33 Trường Trung cấp Phật học toàn quốc.v.v.. Ngoài ra, còn nhiều ban ngành khác phát triển không ngừng như Ban Hoàng pháp, Ban Từ thiện, Ban Thông tin truyền thông, Phân ban Ni giới. v.v….
Hơn hai năm qua do đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng thật vô cùng khủng hoảng về sinh hoạt đời sống và kinh tế… Đây là đại dịch chưa từng có ở nước ta nhưng nhờ sự quan tâm đặc biệt của Chánh phủ và Trung ương Giáo hội cũng như Giáo hội các cấp kêu gọi Tăng ni và đồng bào Phật tử các tỉnh và tỉnh Đồng Nai đã chung tay phòng chống đại dịch có hiệu quả. Nhất là Tăng ni và Phật tử tỉnh nhà đã ủng hộ tiền mặt, gạo mì, rau củ quả, nhu yếu phẩm, thuốc các loại, bình Oxy, máy thở và tập, viết, máy tính bảng cho các em học sinh nghèo học online tại những khu vực bị phong tỏa cách ly…. Điều đáng chú ý, là hơn 200 Tăng ni, Phật tử tỉnh nhà đã tham gia 3 đợt tuyến đầu chống dịch .v.v…những chiếc áo trắng Blouse mà Tăng ni, Phật tử khoát lên người trong các khu bệnh viện cách ly làm chúng tôi nhớ lại thời chiến loạn mà chư Tôn đức Tăng ni đi vào khu kháng chiến, bởi có câu: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào,…” Trong thời loạn, chư Tôn đức Tăng Ni tạm xếp áo cà sa, khoát vào mình chiếc áo lính lên đường chống giặc cứu nước, cứu dân. Ngài Tổng Bí thư nói: “Chống dịch như chống giặc”… Do đó Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, xứng đáng với tám chữ vàng: “Phật giáo Việt Nam Hộ quốc an dân”.
Trên đây là sự thành công của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Nai, bao năm qua làm tròn trách nhiệm là người đứng đầu lãnh đạo Giáo hội tỉnh. Sau đây xin có vài ý kiến như sau:
1. Các ban ngành nào phát triển, mong rằng chư Tôn đức lưu tâm để giữ vững sự phát triển đó dài lâu hơn; các ban ngành nào còn vướng mắc vào hoàn cảnh khó khăn chưa phát triển hay chậm phát triển, phải cố gắng và động viên để cùng Giáo hội tỉnh nhà ổn định phát triển. Có sự đồng bộ hoạt động các mặt Phật sự như vậy, tin rằng nhiệm kỳ 2022 – 2027 sẽ ngày càng phát triển vững mạnh và cũng là nền tảng cho các nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên mỗi ban, nhiệm vụ có khác nhau nhưng người đứng đầu phải nhiệt tình trong công tác vì Phật sự chung, đó mới là điều kiện cần thiết nhất cho người đứng đầu lãnh đạo ban.
2. Các công tác Phật sự nhìn vào rất phức tạp, nhưng chúng ta chịu khó nghiên cứu kỹ và tinh thông Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và Pháp luật nhà nước thì chúng ta sẽ giải quyết một cách hài hòa. Do đó, đòi hỏi người lãnh đạo Giáo hội phải khách quan, thể hiện tinh thần trách nhiệm và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của Tăng ni và đồng bào Phật tử. Phải hết lòng giúp đỡ họ, phải giải quyết, giải thích tình lý cụ thể, không đùn đẩy trách nhiệm để kéo dài sự việc làm cho họ bức súc về việc giải quyết của Giáo hội, đó là điều không nên.
3. Nâng cao tinh thần đoàn kết từ nội bộ, như từ các tổ chức môn phong, pháp phái, hệ phái, cho đến Giáo hội.v.v.. trên nói dưới nghe, dưới góp ý trên thực hiện thì Giáo hội hoạt động các Phật sự càng ngày càng vững chắc và bền lâu.
4. Đến nay là thời cách mạng 4.0, do đó việc quản lý hành chính phải cải cách cho phù hợp để giảm bớt thời gian, chi phí và nhân lực.
Đây là những ý kiến chủ quan, kính mong chư Tôn đức, quý Đại biểu góp ý thêm. Kính chúc quý Ngài và quý Đại biểu vô lượng an lành, chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo Đồng Nai thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Bài viết: Tỳ kheo Thích Huệ Khai - Ủy viên HĐTS, Trưởng ban BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trụ trì Tổ Đình Long Thiền.
Đăng tin: Ban TTTT PG Đồng Nai