Cập nhật lúc 09:53:18 20-08-2019 (GMT+7)

Đồng Nai: Lễ hội Vu lan tại Viện Chuyên Tu

Ngày 18/08/2019 (nhằm ngày 18/07 năm Kỷ Hợi) tại Viện Chuyên Tu, ấp Bình Lâm, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã diễn ra Lễ hội Vu lan với chủ đề “Tiếng ru ngàn đời”.

Quang lâm tham dự có Thượng tọa Thích Thiện Thuận – Trụ trì Viện Chuyên Tu cùng chư Tôn đức tại chùa và các tự viện cùng sự hiện diện của khoảng 10.000 Phật tử.

Đúng 8 giờ, sau lời tuyên bố lý do của ĐĐ.Thích Thiện Hưng, đại chúng khởi tụng bài Sám Vu lan. Danh ca Thái Châu thể hiện ca khúc Hoa hồng cài áo, lần lượt các em Phật tử cài hoa hồng đến chư Tôn đức Tăng, Ni. Trong buổi lễ, Thượng tọa Trụ trì đã giao lưu cùng 5 bạn đến từ các vùng miền khác nhau, “tha hương cầu thực” không có thời gian chăm sóc cho cha mẹ nơi quê nhà.

Khép lại phần giao lưu TT.Thích Thiện Thuận đã có lời chia sẻ đến toàn thể hội chúng trong lễ hội Vu lan. Thượng tọa mong rằng các người con, cho dù ở nơi đâu, dù bận bịu nhưng hãy dành thời gian về với cha với mẹ vì thời gian không chờ đợi chúng ta.

Sau phần giao lưu, Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ đã tiếp nối chương trình và BTC phát học bổng cho 50 em học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, tại huyện Long Thành có hoàn cảnh đặt biệt: mất cha, mất mẹ, mất cả cha mẹ, cha mẹ bị mù, cha bị bại liệt, mẹ bỏ đi,… tổng trị giá hơn 50 triệu đồng.

Buổi lễ khép lại sau phần cảm tạ của ĐĐ.Thích Thiện Hưng, BTC cung thỉnh chư Tôn đức và hội chúng dùng cơm thân mật.

ĐĐ. Thích Thiện Hưng tuyên bố lý do: “Kính thưa Chư tôn đức, kính thưa quý vị quan khách và toàn thể đại chúng. Tháng 7 âm lịch về, những đóa hồng mùa Vu Lan hiếu hạnh lại nở bừng trong nổi xúc cảm chờ mong được cài lên ngực áo cho ai đó, để cùng chia sẻ nổi hoài niệm về mẹ. Có thể, đó là một bông hồng đỏ vui tươi vì còn có mẹ trên đời. Và đó cũng có thể là một bông hồng trắng tinh khôi như giọt nước mắt của con trong một ngày đầy cảm nhận xót xa, rằng: mãi mãi con không còn có mẹ.

Ngàn vạn ngôn từ đẹp đẽ nhất cũng không thể diễn đạt hết tiếng “Mẹ” thiêng liêng, nỗi khắc khoải khôn nguôi trong hồn ta những khoảnh khắc mỏi gối chồn chân. Một nơi chốn bình yên khi  chúng ta mệt lã với cuộc đời.

Theo truyền thống mỗi năm, Viện Chuyên Tu  đều có một ngày trong tháng 7 âm lịch với lễ hội Vu Lan nhớ về mẹ, khơi nguồn hiếu đạo làm tốt đẹp hơn cuộc sống cõi nhân sinh, nhắc nhở lời Phật dạy răn: Tâm hiếu là tâm Phật. Năm nay, chương trình Vu Lan của chúng ta là một góc riêng dành cho những người trẻ vì hoàn cảnh phải xa quê, xa nhà, xa mẹ được tâm sự bằng tiếng nói tận đáy lòng của những người con với chủ đề “Tiếng Ru Ngàn Đời”.

5 bạn giao lưu chương trình:

1. Phạm Văn Hoàng Nhơn, quê Bến Tre, 16 tuổi đã phải rời quê nghèo lên Sài Gòn tìm việc. Năm nay con 26 tuổi, như vậy đã có 10 năm ròng rả xa quê, xa nhà, xa cả mẹ cha. 

2. Huỳnh Trà An, pháp danh Diệu Bình, 28 tuổi, người con Gò Công Đông, Tiền Giang là một đứa trẻ 16 tuổi bỏ quê lên thành phố xa lạ tìm việc, 12 năm rong ruổi làm người tha hương.

3. Hồ Thị Định, 28 tuổi, khi là cô gái tuổi 20,  đã dámtừ miền Trung xa xôi lặn lội vào tận miền Nam kiếm sống.

4. Hà Văn Định, 23 tuổi, quê Thanh Hóa có tuổi đời nhỏ nhất trong các bạn nơi đây. Là cậu con út trong một gia đình 4 anh chị em.

5. Phật tử Huỳnh So, pháp danh  Thiện Nhân, 30 tuổi.

Sau phần giao lưu TT.Thích Thiện Thuận đã chia sẻ: “Kính thưa đại chúng, Cha mẹ luôn là những cây cao bóng cả che mát đời con. Nhưng ít ai có thể nhận ra được rằng, những chiếc lá trên cành ấy đang rụng dần đi. Mỗi ngày qua, là một ngày khoảng thời gian cha mẹ được ở bên mình đang dần rút ngắn lại. Đến khi ta chợt nhận ra thì cơ hội để có thể sống tốt hơn, ở gần và làm nhiều điều cho cha mẹ hơn… chẳng còn nữa rồi! Bao nhiêu tiền bạc khi ấy có mua lại được cho mình mẹ cha? 

Trong ngày vu lan hiếu hạnh, câu chuyện của những người trẻ đã cho chúng ta thấy một sự thật trớ trêu, chỉ khi chúng ta xa rời mẹ cha, xa rời vòng  tay chở che của người thân yêu nhất, chúng ta mới cảm nhận được hết tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ, của cha. Để rồi, trong vùng ký ức nhạt nhòa vừa sống lại, ta bật khóc thương cho mình đã đánh rơi, đã bỏ mất quá nhiều thứ quý giá mà mình hằng trân trọng.

Nhưng, cho dù ta bội bạc đến đâu, tiếng ru dịu dàng yêu thương của mẹ ngàn đời vẫn dõi theo, vỗ về khi con run lên giữa sóng gió cuộc đời, vuốt ve giấc ngủ đầy mộng mị của con, nâng niu mỗi bước chân con như những ngày con còn thơ bé. Xin cám ơn ba mẹ, vì ba mẹ luôn là nơi bình yên để con tìm về”.

Một số hình ảnh ghi nhận được:

 Thiện Hưng - Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu


Các tin khác