Cập nhật lúc 10:54:03 20-02-2019 (GMT+7)

Hải Phòng: Lễ hằng thuận đầu Xuân 2019

PSO – Ngày 10/02/2019(06 tháng giêng năm Kỷ Hợi) tại gia đình Phật tử Đào Nguyên Vịnh Pháp danh Thiện Phúc, thôn Quốc Tuấn, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng đã diễn ra lễ hằng thuận cho đôi bạn trẻ: Đào Nguyên Vinh Pháp danh Thiện Vinh, Hoàng Thị Lan Pháp danh Thiện Lan.

 

Quang lâm và chứng minh buổi lễ có Thượng tọa Thích Chí Thiện – Phó ban Hoằng Pháp TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Trụ trì chùa Bảo Vân, số 2, hẻm 30, đường Duy Tân, TP. Huế – trưởng BTC buổi lễ, cùng chư tôn đức Tăng Ni đang tu học tại một số chùa trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cùng với đó là sự hiện diện của đại diện hai họ và các vị quan khách cùng quý Phật tử tại địa phương đồng về tham dự chúc mừng.

Lễ Hằng Thuận là nghi thức tương đối đặc biệt dành riêng cho lễ cưới được tổ chức trang nghiêm trọng thể tại chùa. Ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ, thì nghi thức Hằng Thuận trong ngày cưới mang đậm dấu ấn đạo đức tâm linh và trí tuệ của đạo Phật, cùng với những định hướng rất cụ thể giúp cho đôi vợ chồng có được một tương lai lạc quan tươi sáng trên tinh thần giác ngộ giải thoát.

Khởi sự hôn nhân, lễ Hằng Thuận đã tạo điều kiện cho cô dâu chú rể được đảnh lễ chư Phật, được Quy y Tam Bảo, được chư Tăng chứng minh hôn sự trong bầu không khí thiêng liêng ngay nơi Phật điện, đồng thời được quý Thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt…

Trên tinh thần nhập thế, khơi nguồn tuệ giác trong đời sống, việc hướng dẫn gia đình phật tử tổ chức lễ hằng thuận tại các chùa chiền tự viện, hay tư gia nhằm mang lại hạnh phúc chắc thật, bền vững cho gia đình của Phật tử tại gia, định hướng cho họ một cuộc sống “tốt đời đẹp đạo” cũng như thuận lợi hơn trong việc tiến tu trên con đường Phật pháp.

Nhận thức được ý nghĩa lớn lao của lễ hằng thuận nên những năm gần đây rất nhiều đôi bạn trẻ đã đến với Phật pháp để được các bậc thầy tâm linh tổ chức  lễ này cho ngày trọng đại của cuộc đời họ. Thấy được chỉ có con đường tu tập theo Đức Phật mới có thể giải thoát khổ đau. Mỗi con người luôn tự tu dưỡng rèn luyện trí đức sống hướng thiện lợi mình và người. Hằng Thuận nghĩa là đôi vợ chồng cùng sống hòa thuận với nhau, tương kính, nhường nhịn, cùng nhau có trách nhiệm, bổn phận làm vợ, làm chồng. Lễ này cũng như nhịp cầu nối giữa đạo và đời, là sự hòa quyện của văn hóa truyền thống, của đạo đức dân tộc và văn hóa tâm linh Phật giáo.

Tại buổi lễ, tân lang và tân nương đã được nghe Thượng tọa giảng về đạo lý vợ chồng trong kinh Thiện Sinh, kinh Phúc Đức mà đức Phật đã dạy. Đại đức chứng minh đã căn dặn đôi bạn trẻ phải sống đời sống Người Phật tử, đời sống vợ chồng sao cho thật tốt, đúng với bổn phận của người làm vợ và người làm chồng, bổn phận của người con trong gia đình, bên nội cũng như bên ngoại. Người chồng phải hết mực yêu thương vợ và người vợ cũng phải rất mực yêu thương và chung thủy với chồng, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trước sự gia hộ của mười phương chư Phật và sự chứng minh của chư tôn đức Tăng Ni, tân lang và tân nương đã làm lễ tạ ơn Tam Bảo, lễ dâng trà tri ân công sinh thành dưỡng dục lên hai đấng tạo sinh. Đồng thời, để thể hiện sự kính trọng, sự bình đẳng và sự tôn kính lẫn nhau khi đã nên vợ, thành chồng, đôi bạn trẻ đã lễ lạy nhau thông qua nghi lễ “ Lễ Bình Đẳng”.

Trước khi  đôi bạn trẻ  trao nhẫn cho nhau, Thượng tọa Thích Chí Thiện, cùng chư tôn đức chứng minh đã làm lễ chú nguyện và giảng cho hai bạn trẻ hiểu về ý nghĩa của chiếc nhẫn cũng như ý nghĩa của chữ “Nhẫn” đối với hạnh phúc trong mỗi gia đình.” Nhẫn” ở đây là sự nhẫn nhịn, vợ chồng phải biết nhường nhịn, nhẫn nhịn nhau, tôn trọng nhau; “Nhẫn” ở đây chính là sự tu dưỡng đạo đức và tu dưỡng phẩm hạnh. Một gia đình có êm ấm, hòa thuận được hay không, phần lớn là do sự nhẫn nhịn quyết định.

Đức Phật có dạy cho hàng đệ tử tại gia  những nguyên tắc để có được hạnh phúc trong đời sống hôn nhân. Bao gồm 5 bổn phận mà vợ chồng phải cùng nhau thực hiện. Chồng phải biết tôn trọng vợ, Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ, chung thủy, trung thành với vợ, tin tưởng giao tài sản tiền bạc cho vợ quản lý, sắm đồ nữ trang cho vợ một khi có điều kiện.  Vợ phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà, phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng, luôn chung thủy với chồng, Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn tài sản gia đình, luôn siêng năng, làm tròn trách nhiệm với gia đình và dòng họ.

Mục đích chính của lễ Hằng Thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Để thực hiện được điều này, trước hết, đôi vợ chồng phải hết lòng yêu thương nhau, chung thủy, tôn trọng, quý kính lẫn nhau, luôn hòa thuận với nhau, cùng nhau hướng đến những điều thánh thiện, cao thượng trong cuộc sống như hàm nghĩa của hai từ Hằng Thuận đã toát lên.

Trước khi buổi lễ hằng thuận kết thúc, đôi bạn trẻ đã đối trước Tam Bảo, đối trước chư Tăng dâng lên lời phát nguyện sẽ luôn yêu thương nhau, luôn tôn trọng nhau, luôn bảo vệ cho hạnh phúc của gia đình để hạnh phúc đó được dài lâu. Đôi bạn trẻ đón nhận từ TT trưởng BTC  giấy chứng nhận Lễ Hằng Thuận cũng như nhận quà chúc phúc từ chư tôn đức chứng minh và hai bên gia đình.

Buổi lễ khép lại trong không khí hoan hỷ, để lại trong người tham dự nhiều cảm xúc khó tả, ấm áp, hạnh phúc giữa tiết xuân tươi mát.

CTV: Tronghaitb - Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu