HT.Thích Thiện Pháp phát biểu tại Đại giới đàn Trí Hải - Bích Liên hôm 22-7 qua
Theo HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư, sau những ngày phải cùng cả nước thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19, mùa an cư năm nay diễn ra trong điều kiện rất khác khi các hạ trường phải có phương thức tổ chức cho phù hợp. Hòa thượng cho biết:
- Ngay mùa mưa đầu tiên, khi thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật và 11 Thánh đệ tử an cư tại vườn Nai. Từ đó trở thành truyền thống và hàng năm Tăng Ni phải an cư ba tháng (tiền an cư hoặc hậu an cư) để tấn đạo nghiêm thân, trang nghiêm Giáo hội, tự lợi và lợi tha.
Đến thời điểm diễn ra mùa An cư theo truyền thống, dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát rất tốt, ca nhiễm cộng đồng không có, Chính phủ đã có Thông báo số 177/TB-VPCP, Ban Tôn giáo Chính phủ có Văn bản số 304/TGCP-VP cùng ban hành vào ngày 8-5-2020 về việc xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế-xã hội; các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo dù trở lại bình thường nhưng công tác tổ chức an cư kiết hạ vẫn phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Ban Thường trực HĐTS, Ban Tăng sự T.Ư đã hướng dẫn và giao cho Ban Thường trực Ban Trị sự (BTS) GHPGVN cấp tỉnh chịu trách nhiệm việc tổ chức an cư kiết hạ theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự T.Ư và pháp luật Nhà nước. Tùy theo điều kiện thực tế tại mỗi địa phương, BTS GHPGVN cấp tỉnh, cấp huyện quyết định số lượng điểm an cư kiết hạ, và Tăng Ni an cư riêng biệt.
Mùa an cư năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, việc tổ chức an cư đặc biệt cần lưu ý phải phù hợp với tình hình mới, phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của ngành y tế và hướng dẫn của Trung ương Giáo hội.
Trong trường hợp BTS GHPGVN cấp tỉnh ủy nhiệm cho BTS GHPGVN cấp huyện tổ chức, đều phải thực hiện theo các quy định đã nêu. Riêng những đơn vị GHPGVN cấp tỉnh không đủ điều kiện tổ chức an cư kiết hạ tập trung, có thể tổ chức liên tỉnh, thành phố. BTS GHPGVN cấp tỉnh nơi tổ chức an cư kiết hạ liên tỉnh tiến hành thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước cùng cấp. Còn đối với những cơ sở tự viện có đông Tăng Ni tu học, muốn tổ chức an cư tại chỗ thì phải đăng ký với BTS GHPGVN cấp huyện, cấp tỉnh và được BTS GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản.
Thời gian an cư được ấn định như sau: Đối với Phật giáo Bắc tông và Hệ phái Khất sĩ, thời gian an cư bắt đầu vào ngày 16-4 âm lịch, kết thúc vào ngày 16-7 âm lịch. Tuy nhiên, do năm Canh Tý này, nhuận hai tháng 4 âm lịch, nên thời gian an cư sẽ bắt đầu từ ngày 16-4 âm lịch nhuận (nhằm ngày 7-6), kết thúc ngày 16-7 âm lịch (nhằm 3-9). Đối với Phật giáo Nam tông, thời gian an cư sẽ bắt đầu từ ngày 15 tháng 6 âm lịch (nhằm 5-8), kết thúc vào ngày 15 tháng 9 âm lịch (nhằm 31-10).
Trung ương Giáo hội biểu dương chư tôn đức trụ trì các tự viện, Tăng Ni, tín đồ, đồng bào Phật tử đã tích cực cùng nhân dân cả nước phòng, chống dịch Covid-19. Tin tưởng trong thời gian sắp tới, bằng trách nhiệm của mình, tất cả tự viện, Tăng Ni phát huy tốt tinh thần đồng hành cùng dân tộc để vừa phát triển đất nước, vừa phòng, chống dịch Covid-19.
Mùa an cư là một khoảng thời gian sinh hoạt đặc biệt có sự tập trung đông chư Tăng Ni, do đó cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế trong suốt thời gian an cư kiết hạ. Trung ương Giáo hội (TƯGH) cũng đề nghị BTS GHPGVN các tỉnh, thành cần lưu ý nắm sát, theo dõi tình hình diễn biến của dịch Covid-19, tùy theo điều kiện của từng địa phương, BTS GHPGVN các tỉnh trong công tác tổ chức, trao đổi ý kiến cơ quan chức năng và ngành y tế để đảm bảo việc tổ chức an cư tập trung thành công tốt đẹp.
Ở một số nơi, do không đủ số lượng hành giả để khai mở hạ trường, chư Tăng Ni phải đến địa phương khác huyện, thậm chí khác tỉnh để đăng ký an cư. Việc đăng ký này diễn ra thế nào, bạch Hòa thượng?
- Phần lớn các hạ trường trong cả nước được tổ chức, mục đích là tạo điều kiện tốt nhất cho chư Tăng, chư Ni từng địa phương thực hiện Luật Phật và truyền thống tu học tập thể. Đó là những vị Tăng Ni có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp, những vùng xa vùng sâu, vùng miền núi, hải đảo hoặc những nơi hẻo lánh không đủ điều kiện tổ chức khóa an cư thì TƯGH đưa ra việc hướng dẫn chư Tăng Ni đến những địa phương khác có tổ chức để nhập chúng an cư.
Về thủ tục, nếu khác huyện thì chư Tăng Ni cần có giấy giới thiệu của BTS GHPGVN cấp huyện nơi đi; nếu khác tỉnh thì cần có giấy giới thiệu của BTS GHPGVN cấp tỉnh nơi đi và hợp pháp về thủ tục đăng ký tạm vắng, tạm trú với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Một trong những vấn đề được Tăng Ni quan tâm đó là việc cấp chứng điệp an cư kiết hạ đối với hành giả an cư. Xin Hòa thượng thông tin thêm về thủ tục này?
- Sổ chứng điệp an cư kiết hạ hay thường được gọi là sổ hạ theo mẫu thống nhất, được TƯGH, Ban Tăng sự T.Ư cấp lần đầu, các năm tiếp theo do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh xác nhận để xác lập hạ lạp cho mỗi Tăng Ni. Sau khi công tác tổ chức đã ổn định, theo quy định, BTS GHPGVN cấp tỉnh gửi báo cáo danh sách Tăng Ni đăng ký an cư về văn phòng TƯGH và văn phòng Ban Tăng sự T.Ư. Đối với Tăng Ni mới nhập hạ lần đầu, TƯGH sẽ cấp chứng điệp an cư. Hồ sơ đề nghị gồm có đơn đăng ký an cư kiết hạ, bản sao giấy chứng điệp thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni do TƯGH cấp, 2 ảnh chân dung màu 2×3.
Mỗi mùa an cư đến thì đời sống Tăng đoàn được đề cập và trong những năm gần đây, sinh hoạt và hành vi cá nhân của chư Tăng Ni luôn tạo sự quan tâm của dư luận, trong đó có cả tích cực lẫn tiêu cực. Hòa thượng có ý kiến gì về vấn đề này?
- Việc kinh doanh, buôn bán tại tự viện hay do Tăng Ni đảm trách đó là hoạt động mang tính tùy duyên nhằm phát triển kinh tế nhà chùa, phụ thêm vào việc chăm lo đời sống người xuất gia. Thông thường hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực tôn giáo, tâm linh: thực phẩm chay, văn hóa phẩm Phật giáo, du lịch tâm linh, pháp phục v.v... và được xã hội chấp nhận.
Thời gian qua, có những ồn ào trên mạng xã hội liên quan đến việc bán hàng online của vị nữ tu sĩ tại Đà Nẵng. Vấn đề này cần được xác quyết ở hai phương diện như sau:
Trước hết, tất cả công dân đều được kinh doanh, buôn bán, tuy nhiên, công dân có yếu tố tôn giáo, đó là Tăng Ni thì phải thực hiện Luật Phật.
Trong kinh
Di giáo, có những điều Tăng Ni không được làm, nhưng có một số tự viện vận dụng phương tiện để tạo điều kiện vật chất cho tự viện và cộng đồng Tăng Ni đang tu học tại đó. Tất cả vì mục đích phục vụ cho tự viện, cho cộng đồng Tăng Ni, nhưng đều tuân thủ đến lễ nghi tôn giáo.
Nếu vì cuộc sống cá nhân mà tạo nên sự phản cảm trong xã hội là điều không nên làm, không thể lợi dụng quyền công dân để làm không đúng với Giáo luật, ảnh hưởng đến cộng đồng Tăng Ni.
Chân thành cảm ơn Hòa thượng!
Bảo Thiên- Nguồn: Báo Giác Ngộ