Nghiên cứu này vừa được phát hành trên tạp chí JAMA Nội khoa. Qua phân tích 60 nghiên cứu với sự tham gia của 6.400 người, các chuyên gia đánh giá một số can thiệp trong điều trị đau (chiến lược giảm đau) như: thiền tập, kỹ thuật thực tế ảo (sự mường tượng có định hướng), thôi miên và liệu pháp hành vi nhận thức.
Cô Pamela Bobb, 56 tuổi trải nghiệm thiền tập và cải thiện sức khỏe
“Chánh niệm từ thiền tập, liệu pháp hành vi nhận thức và thôi miên lâm sàng là những chiến lược giảm đau hiệu quả nhất. Việc giảm liều dùng thuốc giảm đau khi thực hiện đồng thời các kỹ thuật này nhìn chung là khá khiêm tốn nhưng phát hiện này là dấu hiệu cho thấy lợi ích của các phương pháp này” - chia sẻ của nhà nghiên cứu Eric Garland, Đại học Utah.
Ngoài ra, ghi nhận về trường hợp cụ thể của cô Pamela Bobb, 56 tuổi (sống tại Tennessee) phải sống chung với những cơn đau mấy chục năm qua, đã kiểm chứng các lợi ích này. Cô sinh ra với bất thường ở khung xương chậu. Trong 20 năm, trải qua hàng chục cuộc đại phẫu nhưng cũng không giúp cải thiện được tình trạng đau nhức của cô ngoài sẹo và sự phá hủy thần kinh sau những lần phẫu thuật.
Với bệnh tình của mình, cô thậm chí không thể tiến hành những hoạt động cơ bản như nấu nướng và chăm sóc gia đình: “Tôi mệt mỏi và tuyệt vọng, cảm thấy mình mất khả năng kiểm soát. Khi ấy, tôi không cảm nhận được gì khác ngoài những cơn đau và cầm cự để tồn tại” - Bobb chia sẻ.
Các bác sĩ kê toa liều cao thuốc opioid để giúp cô giảm đau nhanh nhưng sau vài năm, cô nghĩ mình cần tìm kiếm giải pháp nào đó tốt hơn, có thể bổ trợ và thay thế thuốc tây.
Cô đến bệnh viện để thực hiện các can thiệp như vật lý trị liệu, liệu pháp hành vi, châm cứu, tập yoga và các bài tập rèn luyện thân - tâm. “Không một giải pháp riêng lẻ nào có tác dụng toàn diện nhưng đây là những lựa chọn tích cực cho người cần giảm đau”, chia sẻ của bác sĩ điều trị Wayne Jonas, Bệnh viện chuyên điều trị đau Fort Belvoir (Fairfax).
Trong quyển sách How Healing Works, bác sĩ Jonas mô tả: Khi bị đau, cơ chế bảo vệ bình thường của cơ thể bị giảm sút và phát sinh một loạt bất ổn về chức năng. Đau làm tăng mức hormone stress cortisol và làm tăng viêm nhiễm trong cơ thể.
“Không ngạc nhiên gì, các kỹ thuật như thiền, yoga có thể hữu ích. Nếu bạn đi sâu vào chánh niệm và thư giãn, phản ứng stress trong cơ thể sẽ bị thay đổi. Bạn hãy nghĩ về thiền tập như một hình thức rèn luyện tinh thần, một bài tập cho tinh thần”.
Garland cũng cho biết: Thiền tập để có sự chánh niệm giống như “bài tập nâng tạ cho bộ não”. Thiền cũng như nâng đòn tạ của tinh thần, tăng cường sự tự kiểm soát của tâm. Và điều này có thể làm thay đổi cách não bộ tiếp nhận các “dữ kiện đầu vào” của thân. “Nếu có thể thay đổi cách não tiếp nhận các dấu hiệu từ cơ thể, bạn sẽ thật sự có thể thay đổi trải nghiệm về cơn đau” - chuyên gia giải thích.
Điều cần lưu ý là: Học và thực hành thiền cần có thời gian, nỗ lực và sự rèn luyện nên phức tạp hơn so với uống ngay một viên thuốc. Cô Bobb đã từng thử rất nhiều cách nhưng hiện giờ cô bắt đầu mỗi buổi sáng của mình bằng thiền tập.
“Bây giờ là 4 giờ 25 sáng - và tôi vừa thức dậy” - cô nghe giọng đã thu âm của mình. Điều này giúp cô tập trung và bình tĩnh: “Tôi để cho cơ thể mình cảm thấy càng thư giãn càng tốt”.
Bên cạnh thực hành thiền và chánh niệm, Bobb còn có sự thay đổi trong chế độ ăn như ăn nhiều rau củ quả, rau thơm có dược tính và các gia vị có chứa thành phần kháng viêm nhiễm.
Và hiện giờ, Bobb cảm thấy dễ chịu hơn và vui vẻ hơn. Cô đã tự mình tạo ra một sự chuyển biến nền tảng nhất trong tâm mình: Thay vì chờ đợi các bác sĩ chữa lành cho mình bằng phẫu thuật hay tiêm thuốc, cô tìm đến các trị liệu thay thế khác để phát huy sức mạnh tự thân của mình.
Chấp nhận dù sẽ không thể khỏi đau hoàn toàn, cô cảm thấy có thể kiểm soát được sự khó chịu của mình. Thực tế, cô đã giảm được 25% liều dùng opioid và thuốc vẫn có tác dụng tốt và an toàn đối với cô khi duy trì với lượng nhất định.
Sử dụng opioid kéo dài có thể gây hại cho cơ thể. Tháng 10 qua, Cơ quan Y tế và Dịch vụ Con người đã phát hành một hướng dẫn yêu cầu bác sĩ chọn cách tiếp cận độc lập khác để giảm liều dùng opioid cho bệnh nhân bị đau mãn tính.
Hướng dẫn đã chỉ rõ các tác hại tiềm tàng, cho thấy vì sao bệnh nhân không nên dùng các thuốc này trong thời gian kéo dài. Hướng dẫn này không có nghĩa là tuyệt đối không dùng opioid nhưng các bác sĩ cần giảm liều cho bệnh nhân và trường hợp của Bobb là một thành công điển hình.
Trần Trọng Hiếu - Nguồn: Giác Ngộ
|
|