THIỀN SƯ PHÁP LOA
VỚI THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ
Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ hai Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. Ngài ra đời với một phát tích kỳ đặc, kết duyên với Phật giáo Việt Nam, kế thừa và phát triển dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, nối nắm mạng mạch Thiền tông nước Việt, mở ra trang sử Phật sáng chói với một giáo hội trang nghiêm và một nền văn hóa Phật giáo vươn lên đến đỉnh cao nhất thời bấy giờ.
Sư sinh năm 1284, thiên tư đĩnh ngộ khác người, có tên là Đồng Kiên Cương. Miệng không nói lời ác, ăn không thích thịt cá. Năm hai mươi mốt tuổi, Sư gặp Điều Ngự Giác Hoàng liền xin xuất gia. Điều Ngự trông thấy bằng lòng nói:
- Kẻ này có đạo nhãn, sau ắt làm pháp khí, vui vẻ tự đến đây.
Sau đó Điều Ngự gởi Sư thọ học với Hòa thượng Tánh Giác ở chùa Quỳnh Quán. Sư nhân đọc kinh Lăng-nghiêm đến đoạn “Thất xứ trưng tâm” liền chấn động, xin quay về yết kiến Điều Ngự. Thế là từ đó được hầu hạ bên cạnh Điều Ngự, ra vào đều thưa hỏi, lâu ngày càng thêm tỉnh. Một hôm, Sư trình kệ Điều Ngự chưa chấp nhận. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, bỗng thấy bông đèn tàn rụng, Sư chợt đại ngộ. Sư đem chỗ ngộ trình lên Điều Ngự và được ấn chứng. Từ đây, Sư lập nguyện tu hạnh Đầu-đà. Sau khi thọ đại giới, thấy chỗ tu học của Sư đã thành đạt, Điều Ngự ban cho Sư hiệu Pháp Loa.
Thiền Đạo Yếu Học tả lại cuộc đời hành hóa của thiền sư Pháp Loa: “Ngày ngày đàm thiền thuyết pháp trong tinh thần “Vô nhất pháp nhi khả đắc”, nơi nơi tiếp xúc độ sinh theo tinh thần “Phi chúng sanh nhi bất lợi”. Khi đi thì thấy trâu đá rống mặt trăng, khi đứng thì nghe ngựa gỗ hí gió, ngồi thì dựa vào gốc cây không bóng, nằm thì nghỉ lưng nơi không giường chiếu, nào ai có thể biết được sự tuyệt vời trong đời ngài.” Đủ thấy ngài đã nối gót Điều Ngự, hiến thân cho đạo pháp, phụng sự tha nhân, không một phút giây ngừng nghỉ.
Phật giáo đời Trần bắt đầu mở ra một thời kỳ phát triển rộng khắp kể từ khi Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử có được cánh tay hỗ trợ đắc lực của Sư. Có thể nói, ngoài việc nối nắm tông phong, lãnh đạo Giáo hội Trúc Lâm Yên Tử do Điều Ngự ủy thác, ngài còn hoàn thành xuất sắc các công tác Phật sự quan trọng khác như tạo Tự, độ Tăng, thuyết giảng và đáng kể nhất là in ấn bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam đầu tiên trong suốt hai mươi bốn năm, nhưng rất tiếc đến nay đã không còn. Ngài quả thật là một tấm gương sáng cho tăng sĩ Việt Nam, suốt một đời hành đạo và hóa đạo không biết mệt mỏi.
Số tăng sĩ xuất gia và gia nhập vào Giáo hội Trúc Lâm lớn mạnh chưa từng thấy. Năm 1329 có đến 15.000 tăng sĩ, trên 100 ngôi tự viện, đất đai vua quan cúng dường cho thiền phái quá nhiều. Trước sự phát triển mạnh mẽ ấy, để ngăn chặn những tệ tình xảy ra, bảo vệ kỷ cương tăng đoàn, Sư thiết lập văn phòng trung ương của giáo hội, kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương. Ba năm mới có một lần độ tăng, mỗi lần như thế số người xin xuất gia thọ giới bị loại có đến hàng nghìn người.
Nhiều hội thuyết pháp giảng kinh được mở ra, âm ba Phật pháp vang dội từ đế đô đến thành ngoại. Từ vua chúa đến vạn thứ lê dân đều trở thành Phật tử. Phong trào học Phật ngày càng lan rộng, người người học Phật, nhà nhà tu Phật. Lời thiền sư vẫn còn như sấm vang trong Tam Tổ Thực Lục: “Chư Phật và chư Bồ-tát có những hạnh nguyện nào, tôi đều thiết tha xin học và làm theo. Dù chúng sanh có khen chê khinh trọng, dù bố thí hay xâm đoạt, thì khi mắt thấy tai nghe cũng đều xin cứu độ, khiến cho tất cả đều lên được nấc thang giác ngộ…” Không nói đến số đệ tử cư sĩ rất nhiều, mà hàng đệ tử xuất gia đắc pháp của ngài cũng nhiều nhất trong lịch sử thiền sư nước Việt thời bấy giờ. Thật là một thời đại vàng son của Phật giáo Việt Nam.
Với công đức, nhân duyên và sự bố giáo rộng khắp ấy, Đệ nhị tổ Pháp Loa nghiễm nhiên trở thành linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm kể từ sau khi Điều Ngự giao phó. Trên tất cả những thành tựu lớn lao ấy, cái trác tuyệt không gì có thể so sánh của ngài là đại cơ đại dụng hiện tiền. Bài kệ từ biệt chúng của ngài đã nói lên được tất cả những điều đó:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn, Tứ thập dư niên mộng huyễn gian. Trân trọng chư nhân hưu tá vấn, Na biên phong nguyệt cánh man khoan. |
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn, Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng. Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi, Bên kia trăng gió rộng thênh thang. |
Con người của Tổ sư là con người của tha nhân. Đến đi tùy duyên, tự do tự tại, viên dung vô ngại. Ở đây chúng ta không nhắc đến tuổi thọ của ngài, bởi vì tuổi thọ của một thiền sư thì vô tận so với dòng thời gian hữu hạn. Trong các nỗi khổ của nhân sinh, có lẽ nỗi khổ lớn nhất là nỗi khổ tử biệt. Nhưng bài kệ của ngài tuyệt nhiên không có nỗi đau thương, không có lời nuối tiếc mà ngược lại toát lên phong thái ung dung thanh thản của một thiền gia. Nẻo thiên sơn vạn thủy, cảnh bát cơm ngàn nhà,… vạn sự giai không. Ngài trả giấc mộng lại cho muôn duyên để đi về “Bên kia trăng gió rộng thênh thang”. Nhẹ nhàng, thanh thản đến vô cùng. Và chính vì thế “một thân nhàn” trở thành bất diệt trong tinh thần thiền Trúc Lâm, là tiêu bản cho người sau noi theo, là nét son rực rỡ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Thanh Mai Sơn đã được Nhị tổ Pháp Loa chọn làm nơi yên nghỉ sau cùng. Nơi đây trầm mặc khiêm cung, bình lặng đơn sơ. Một màu núi. Một màu không. Tòa cổ tháp rêu phong với hai chữ “Viên Thông” hiển hiện như chính công hạnh tròn đầy của bậc Tổ sư. Ngài để nhục thân lại Thanh Mai Sơn như một sự gắn bó chung thủy với núi rừng của một sơn tăng thoát tục, dù bao năm gót chân có giẫm mòn lối vào cung vàng điện ngọc hay qua lại dọc ngang trong cát bụi phù du.
Ngày nay, thiền tông Việt Nam có cơ duyên phát triển cũng nhờ vào uy đức của lịch đại Tổ sư thuở trước, dĩ nhiên chính yếu vì thiền là nguồn sống chân thật bất diệt. Nếu Đệ nhị tổ phát huy thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần như một tinh ba của Phật giáo nước nhà, cần phải được bảo lưu và thiệu đăng thánh chủng, thì thiền tăng Việt Nam ngày nay cần phải nỗ lực học tập, hành trì và truyền nối dòng thiền tổ tông ngày càng tốt đẹp bền vững. Thiết nghĩ đây là sứ mệnh của tăng sĩ Việt Nam xưa cũng như nay, chúng ta cần trân quý giữ gìn và phát huy.
HT. THÍCH NHẬT QUANG
|
|