1.Tôi gặp Đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai trong một ngày bận rộn của ông. Ngồi hàng giờ trong phòng làm việc, ông say sưa kể về những câu chuyện của người cả đời gắn bó với lĩnh vực an ninh
Năm 1978, Trần Tuấn Triệu trúng tuyển vào trường Cao đẳng Ngoại ngữ 2 của Bộ Công an, nơi đào tạo học viên ra trường để biệt phái đi nước ngoài. Ngày ấy, đi nước ngoài là mơ ước của biết bao người. Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, toàn bộ sinh viên trong trường gác ước mơ, cắt máu ăn thề, tình nguyện xin ở lại để tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá Trần Tuấn Triệu.
Là con trai của nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng Trần Thanh Mại, ông đã thừa hưởng được năng khiếu văn chương từ cha. Vì thế, khi về Công an tỉnh Đồng Nai công tác, ông được giao làm công tác tham mưu suốt hơn 20 năm. Tôi hỏi Đại tá Trần Tuấn Triệu, đâu là tố chất của một người làm công tác tham mưu? Ông nói rằng, ngày đi học không có trường nào đào tạo về tham mưu nên muốn làm tốt thì cách duy nhất chỉ có học và học thật nhiều. Thời của ông, các bậc đàn anh đều là những trinh sát đi lên từ thực tế, họ mưu lược, đánh án giỏi nhưng không ai có lý luận.
Từ những kiến thức được học trong nhà trường, ông miệt mài nghiên cứu thêm các tài liệu khoa học của Bộ Công an và đọc rất nhiều loại sách chuyên đề khác để vận dụng vào công tác chuyên môn. Trong suốt 42 năm công tác, ông vẫn luôn tâm niệm, lý luận không thể tách rời thực tiễn, từ thực tiễn cần nghiên cứu nâng lên vấn đề lý luận và dùng lý luận để giải quyết vấn đề thực tiễn.
Từ năm 1976 đến năm 1985, địa bàn Đồng Nai nổi lên nhiều tổ chức chính trị phản động, các cụm toán vũ trang, các căn cứ mật khu...Vì vậy, nhiệm vụ công tác của lực lượng an ninh trong giai đoạn này là vô cùng vất vả. Đang làm tham mưu tổng hợp nhưng hễ có chuyên án lớn, Ban giám đốc cho thành lập các tổ đặc nhiệm và Trần Tuấn Triệu được tuyển chọn vào lực lượng tinh nhuệ này để trực tiếp tham gia các chuyên án lớn, các địa bàn phức tạp.
Trong thời gian từ năm 1981 đến 1983, ông cùng với tổ trinh sát đặc biệt của Ban chỉ huy An ninh tham gia các chiến dịch, phá rã nhiều tổ chức chính trị phản động, căn cứ mật khu và các cụm toán vũ trang ở Tân Phú, Long Thành, Long Khánh và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau khi được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội chống phản động, ông tham gia triệt xóa hàng loạt chuyên án lớn của các tổ chức phản động như: "Lực lượng Nghĩa quân Phục quốc", "Lực lượng Phục quốc Nội biên", "Đảng Công lý xã hội"... Ông lội suối, trèo rừng suốt 2 tháng trời nắm bắt tình hình, lên kế hoạch đấu tranh. Ngày đó, mảnh đất Tân Phú còn hoang sơ, đời sống bà con nghèo khó nhưng họ đối đãi với những người lính an ninh bằng một tấm lòng trân quý và yêu thương. Khi rảnh rỗi, ông và đồng đội vác cuốc lên rừng làm rẫy với bà con, cùng ăn cơm nắm, rau rừng, buồn vui với hạt lúa, hạt ngô.
Đại tá Trần Tuấn Triệu cùng cán bộ chiến sĩ Công an Đồng Nai viếng nghĩa trang Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.
Ông không bao giờ quên hình ảnh người phụ nữ quần quật trên nương cả ngày để kiếm cái ăn nhưng họ sẵn lòng nhường phần ăn của mình cho ông và đồng đội. Các em bé nghe lời cha mẹ để dành những con cá, miếng thịt ngon nhất cho chú Công an. Sáng đi công tác, bà mẹ kéo vạt áo dúi cho vài đồng đổ xăng. Những tình cảm ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn của ông, khiến nó trở thành sức mạnh để chịu đựng, vượt qua tất thảy những gian khổ, thiếu thốn và cả sự hiểm nguy nơi trận tuyến thầm lặng.
2.Ký ức đáng nhớ của Đại tá Trần Tuấn Triệu là những ngày tháng "vào hang cọp" trong Chuyên án triệt phá tổ chức "Đảng Công lý xã hội". Đây là tổ chức mới manh nha, ta nắm được rất ít thông tin, không có mạng lưới liên kết nên phải có người của mình trà trộn vào để nắm đường lối chỉ đạo, phương hướng hoạt động, sơ đồ tổ chức cũng như lời hiệu triệu của chúng. Trần Tuấn Triệu là người được lựa chọn, bởi ông có khả năng nói và viết linh hoạt, nhạy bén, khôn khéo trong xử lý tình huống.
Bước ra từ bàn giấy, trắng trẻo, đẹp trai, với vai diễn là sinh viên Đại học Văn khoa (Thành phố Hồ Chí Minh) do bất mãn với chế độ, tự ý bỏ học, Trần Tuần Triệu khoác ba lô đi lang thang ở khu vực Tân Phú xin việc làm. Sau nhiều ngày, ông tiếp cận được một đối tượng trong tổ chức của "Đảng Công lý xã hội" làm nghề hớt tóc và một người nữa làm ở nhà máy đường. Trong lúc lân la làm quen thì ông được một đối tượng nhận đồng hương và cho đi theo làm ăn. Khi đã chiếm được tình cảm, lòng tin, đối tượng giới thiệu Tuấn Triệu làm thư ký cho tổ chức vì ở đây không ai biết đánh máy, viết lách gì cả.
Bước đầu thành công, ông quay trở về đơn vị báo cáo Ban chuyên án lấy một chiếc máy đánh chữ mang lên "trụ sở" và nói là mua được ở chợ dân sinh Huỳnh Thúc Kháng (Q.3, thành phố Hồ Chí Minh) để phục vụ cho công việc. Tổ chức không có bất cứ một hoài nghi nào về chàng thanh niên trí thức này, trái lại họ còn khen ông tháo vát, nhiệt tình.
Trở thành "mắt xích" quan trọng trong tổ chức "Đảng Công lý xã hội", Tuấn Triệu bắt đầu tìm hiểu về đường lối, phương thức hoạt động của tổ chức. Ngày đó, không hề có điện thoại hay máy ghi âm nên mọi thông tin ông chỉ có thể lưu giữ trong bộ não của mình, rồi buổi tối ngồi hệ thống lại, vẽ ra một tờ giấy và gửi qua cơ sở để Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Tân Phú đến lấy.
Nhiều tháng trời "nằm vùng", len lỏi vào sâu trong mạng lưới của tổ chức phản động, ông nắm được toàn bộ cơ sở đầu não, cơ cấu tổ chức và báo cáo về lãnh đạo Công an tỉnh lên kế hoạch triệt xóa. Ban chuyên án họp tại trụ sở Công an huyện Tân Phú quyết định phá án. Vào ngày "G", toàn thể lãnh đạo của tổ chức "Đảng Công lý xã hội" dự kiến tổ chức cuộc họp quan trọng. Để "cất lưới" trọn vẹn, Tuấn Triệu mời các lãnh đạo của tổ chức phản động tới một nhà hàng ở thị trấn Tân Phú họp, tiện thể dùng bữa cơm thân mật nhân ngày giỗ của mẹ ông. Vì quá tin tưởng nên việc dàn xếp diễn ra thuận lợi, không ai nghi ngờ. Sau khi ăn uống no say, khoảng 12 giờ 30 phút trưa, quân ta ập vào tóm gọn bộ sậu của tổ chức "Đảng công lý xã hội" gồm 17 người, 2 đối tượng không tham gia họp cũng bị bắt ngay chiều hôm đó trên lán rẫy.
Buổi tối, Ban chuyên án tiến hành hỏi cung ngay. Vì lực lượng mỏng, thiếu cán bộ nên Ban chuyên án yêu cầu Trần Tuấn Triệu tham gia. Đối diện trực tiếp với tên cầm đầu tổ chức, hắn bàng hoàng nhìn trân trối Tuấn Triệu, hắn không thể tin được người bấy lâu nay kề vai sát cánh, "cây bút" chủ đạo của tổ chức lại là cán bộ công an. Cũng vì biết quá rõ nên hắn buộc phải khai báo toàn bộ.
Chuyên án kết thúc, Tuấn Triệu trở về với công việc thường ngày của người lính làm công tác tham mưu tổng hợp. Bao nhiêu năm trôi qua, dù đã ở cương vị Phó giám đốc Công an tỉnh, ông vẫn đều đặn trở về Tân Phú, Bầu Hàm, Bảo Bình, Xuân Hưng... ở đâu cũng lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm trong lòng Đại tá Trần Tuấn Triệu.
Ông tới thăm chủ nhà máy đường, người hớt tóc, lão chăn bò... ai cũng thật trân quý. Họ đã giác ngộ và trở thành những công dân tốt, sống hết mình vì cộng đồng. Gặp nhau, tay bắt mặt mừng, ăn với nhau bữa cơm, uống với nhau chén rượu. Họ yêu quý, trân trọng ông bởi sự chân thành, mộc mạc, trọng tình, trọng nghĩa.
3.Các bà, các mẹ những năm khốn khó ngày nào đã cưu mang, chở che cho người cán bộ an ninh bây giờ thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi: "Thằng Triệu đâu rồi sao không xuống chơi". Khi ông về, người này báo cho người kia xúm lại hỏi thăm, chuyện trò. Với ông, đó là những gì kiêu hãnh nhất trong cuộc đời 42 năm làm Công an. Ông tự hào về những tháng năm tuổi trẻ đã sống và cống hiến hết mình bằng tất cả nhiệt huyết và sự đam mê nghề nghiệp.
Sau này, ông có 2 năm làm Trưởng Công an huyện Tân Phú. Được về lại mảnh đất thân thương một thời gắn bó, ông đã nỗ lực xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an trở nên gần gũi, đẹp đẽ trong lòng nhân dân.
Tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh thời làm Trưởng phòng, ông nổi tiếng với câu khẩu hiệu "Với nụ cười, vì nụ cười". Sinh hoạt với cán bộ chiến sĩ làm công tác tiếp dân, ông giải thích: "Với nụ cười", là khi tiếp dân, dù chúng ta có mệt mỏi, áp lực, ức chế hoặc gặp phải bất cứ chuyện gì thì hãy bỏ ra ngoài cánh cửa, phải luôn nở nụ cười. Ông cho lắp một chiếc gương thật lớn ngay cửa phòng tiếp dân, để mọi người tự soi, tự chỉnh sửa nụ cười của chính mình.
"Vì nụ cười" là mỗi cán bộ chiến sĩ phải hết mình vì công việc, làm thật tốt để làm sao có được nụ cười của nhân dân. Cho đến thời điểm này, Công an tỉnh Đồng Nai là đơn vị đứng thứ 4 trong cả nước về cải cách hành chính. Trong đó, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh luôn là lá cờ đầu trong thực hiện cải cách hành chính.
Đồng Nai là cửa ngõ phía Đông đi vào thành phố Hồ Chí Minh, điểm kết nối giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, dân ngụ cư chiếm số lượng lớn. Mặt khác, đây còn là địa bàn có hàng triệu tín đồ các tôn giáo khác nhau cùng sinh sống. Vấn đề an ninh luôn được Ban giám đốc Công an tỉnh đặc biệt quan tâm, chú trọng. Các thế lực thù địch, phản động, số đối tượng chống đối trong nước tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn, hành động phá hoại, gây rối an ninh trật tự, kích động biểu tình... đều bị "bóp chết từ trong trứng" nên suốt nhiều thập kỷ, mảnh đất Đồng Nai luôn giữ bình yên.
Dù vậy, trên cương vị Phó giám đốc phụ trách an ninh, Đại tá Trần Tuấn Triệu vẫn còn nhiều lo lắng, trăn trở. Đó là vấn đề an ninh xã hội, an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc, an ninh trong công nhân, sinh viên, học sinh. Đặc biệt, đáng lo ngại nhất là an ninh mạng trong tình hình hiện nay. Đây là một trong những phương thức hoạt động mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để chống phá chính quyền. Để phòng ngừa, ngăn chặn, triệt tiêu tác hại của nó là rất khó khăn, đòi hỏi lực lượng Công an phải có những con người đủ tâm huyết, trình độ, kiến thức khoa học kỹ thuật cao để nắm bắt được các âm mưu, thủ đoạn qua an ninh mạng.
Chỉ ít thời gian nữa là ông được nghỉ hưu, trở về đời thường. Ông tâm niệm, dù còn một ngày làm việc thì ông vẫn tận tâm, tận tụy phục vụ ngành, phục vụ nhân dân.
Ngọc Hoa (Nguồn:cand.com.vn) |