Cập nhật lúc 02:10:52 17-05-2015 (GMT+7)

Ý nghĩa Phật Đản PL.2559 của Ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN

Ý NGHĨA PHẬT ĐẢN – PL 2559

Ý PHÁP HÒA BÌNH PHỤNG SỰ NHÂN SINH

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm

Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN

Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương

 

Cách đây 2.639 năm, tức năm 624 trước Tây lịch, một sự kiện vĩ đại, hy hữu đã xảy ra tại Ấn Độ cổ đại: Mặt đất rung chuyển theo sáu cách, hoa trời tuôn rơi, nhạc trời lừng vang trong ánh vàng rực rỡ, chúng sinh trong ba cõi được tắm mình trong hào quang bi trí của đấng Pháp vương tối thượng - Đức Bản sư Thích ca Mâu ni Phật đản sinh dưới cây vô ưu, vườn Lâm tì ni, gần thành Ca tì la vệ. Sự kiện này báo trước một thông điệp sẽ ứng nghiệm vào 36 năm sau, sau khi Đức Bản sư chứng đạo: Thông điệp của Hòa bình.

Ý nghĩa Hòa bình thường được nêu lên khi đang có chiến tranh, có những tai họa, đổ nát, tang tóc do chiến tranh gây ra. Vì thế, các từ điển phương Tây thường định nghĩa hòa bình bằng từ Latinh - Pax. Pax là tên của một nữ thần La Mã, nữ thần của Hòa bình, trái với thần Mars, thần chiến tranh của Hy Lạp. Từ đó, hòa bình được gọi là Paix, Peace, Pace, Paz… tùy theo ngôn ngữ của từng quốc gia và được định nghĩa là giai đoạn không có cuộc chiến tranh nào đáng kể. Thế nhưng bạo lực, tranh chấp, kỳ thị, chia rẽ, gây hại cho nhau, chém giết nhau, thù hằn v.v… vẫn xảy ra hằng ngày, nhất là từ khi loài người bước vào thời kỳ lịch sử: Có giai cấp và có nhà nước. Đó chính là kết quả của tham, sân, si, là mầm gây đau khổ triền miên, luân hồi trong sáu nẻo; đó là sự thể hiện của cái tâm vọng động, u tối... vì thế ta có thể nói, giáo pháp của Đức Phật chính là bản thông điệp về Hòa bình, hòa bình với ngoại giới và hòa bình tại nội tâm, là thông điệp của Tình thương.

Thế giới hiện nay đang diễn ra rất nhiều xung đột, xung đột về vật chất, quan điểm và tư tưởng, song chung quy đều xuất phát từ lòng tham dục của con người. Ý thức được nguyên nhân này, trong Đại Kinh Khổ Uẩn, Đức Phật đã nhắc nhở các vị tỳ khiêu phải thường xuyên cảnh tỉnh bản thân trước tai họa của tham dục. Người nói: "Này các tỳ khiêu, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên nên sinh ra tranh đoạt. Một khi đã tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt sẽ dẫn đến công phá nhau bằng tay, công phá nhau bằng đá, công phá nhau bằng gậy… Điều này sẽ dẫn đến tử vong, dẫn đến sự đau khổ. Lại nữa, này các tỳ khiêu, do dục làm nhân… dẫn đến việc họ bắn nhau bằng tên, họ đâm nhau bằng dao, bằng kiếm… điều này sẽ dẫn đến việc họ bị đến tử vong, đi đến sự đau khổ”.

Đức Phật còn tự nói về bản thân: "Này các tỳ khiêu, ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với ta. Này các tỳ khiêu, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời" (Tương Ưng III. 165). Ngài đã hạn chế các cuộc tranh chấp và chiến tranh bằng cách khuyên mọi người sống bố thí, tiết độ và hành thiền. Bố thí nhằm hạn chế lòng tham, tiết độ để chế ngự dục vọng và hành thiền để có được hạnh phúc tâm linh thay thế các thú vui dục lạc thường tình ở thế gian.

Với kho tàng pháp bảo uyên thâm, tùy thuận chúng sinh, giáo lý của Đức Phật mãi là ngọn đuốc sáng để cho ta nương tựa để tự thân an lạc, sự buông xả tự ngã chính là yếu tố đưa đến hòa giải sự xung đột.

Ngài dạy:

"Mong sao không có kẻ nào lừa gạt người khác,

Cũng không hề chút nào lừa gạt kẻ khác,

Không vì ác tâm thù hận mà muốn kẻ khác sầu khổ…

Tâm mình phải quảng đại,

Lòng từ đối với toàn cõi thế gian,

Quảng đại khởi lên từ tâm mình,

Bên trên bên dưới và xuyên suốt,

Không ngăn ngại, không vì thù hận, ác tâm…”.

Rất nhiều kinh sách đề cập sự tu tâm, sửa tâm, giữ tâm an lành, trải rộng tình thương, xóa bỏ hận thù… Kinh Bản sinh (Jataka Nikaya) kể rất nhiều chuyện về sự nhẫn nhục, chịu đựng sự gây hại của kẻ ác gây cho Bồ tát (tiền thân của Đức Phật), cuối cùng Ngài đã cảm hóa được kẻ ác. Không oán hận, chỉ biểu lộ sự dũng cảm chịu đựng, tình thương, sự tha thứ… cuối cùng đã ngăn chận được cái xấu ác. Tạp A-hàm,Trung bộ kinh, Trưởng lão Tăng kệ đều có thuật chuyện Tôn giả Puna quyết định đi giảng pháp cho người dân Du-lãn-na (Sronaparata), vốn thô lỗ, ác độc, có thể hành hạ, thậm chí giết chết Tôn giả. Với tình thương, thái độ ôn òa, nhu thuận của Tôn giả, cuối cùng ngài đã cảm hóa được những người dân ấy, độ được một ngàn cư sĩ nam và nữ.

Tinh thần hòa bình, tình thương, sự xóa bỏ hận thù đã được Đức Phật dạy hàng đệ tử phải quan tâm thật nhiều đến việc nuôi dưỡng đạo đức trong đời sống và thực hành bốn đức hạnh cao cả từ - bi - hỷ - xả, bởi vì nếu đời sống mà không có đạo đức và vị tha, thì tâm hồn sẽ khó có thể trong sáng thanh tịnh được. Do vậy, việc giữ gìn giới luật hay thực hiện một đời sống đạo đức được xem là bước đi đầu tiên và cơ bản trong tâm hồn an lạc và cuộc sống hòa bình. Trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật đã diễn tả tính cách an nhiên tự tại của Ngài và khích lệ chư tăng nỗ lực tu tập tâm vô ngã chấp như sau: "Này các tỳ khiêu, nếu người khác mạ lỵ, phỉ báng, phiền nhiễu Như Lai, trong tâm Như Lai cũng không oán hận, phẫn nộ hay bất mãn…

Sử chép vào năm 585 trước Tây lịch, tại Vesali, Đức Phật đến chiến trường, nơi sắp nổ ra cuộc chiến giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Koliya về việc sử dụng dòng sông Rohini. Ngài đã giảng cho cả hai phe nghe về tai hại của chiến tranh, về sự quý giá của sinh mạng. Cuối cùng cả hai phe đều lui binh, 500 vương tử của mỗi bên xin xuất gia theo Đức Phật. Đức Thế Tôn cũng đã khéo léo, gián tiếp khuyên vua A-xà-thế từ bỏ ý định gây chiến tranh xâm chiếm xứ Bạt-kỳ.

Vua A-dục, khi mở mang đất nước, đã xâm chiếm lãnh thổ nhiều quốc gia, giết hại vô số quân dân. Đến khi tìm gặp Phật giáo, ông thâm nhập giáo lý, trở thành một tín đồ thuần thành, sống như một tăng sĩ, trị nước theo giáo lý của Đức Phật, ban bố tình thương, ngăn cấm bạo lực, sát sinh, kể cả việc sát sinh thú vật nếu không cần thiết. Trên một trụ đá có khắc pháp luân, nhà vua đã cho ghi: "Hạnh phúc của con người không phải được xây dựng trên hận thù mà trên tình thương. Không phải chiến tranh mà là hòa bình, tình thương và hy vọng”.

Ngày nay, chiến tranh vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều quốc gia, nhiều vùng lãnh thổ, thậm chí ngày càng khốc liệt. Chiến tranh hạt nhân với nguy cơ sát hại, tiêu diệt nhân loại vẫn là nguy cơ trước mắt. Mặt khác, các hiện tượng sa đọa về đạo đức, bạo lực, giết chóc, thù hận,… xảy ra ngày càng nhiều. Đây là lúc thông điệp Hòa bình, tình thương của Phật giáo nhất thiết phải được phổ biến và thực hiện.

Trước hết là bổn phận, nhiệm vụ của các giảng sư hoằng pháp. Muốn hoằng pháp có hiệu quả, vị giảng sư cần có phẩm chất tốt: Niềm tin Tam bảo; từ bi, nhẫn nhục, vô úy; có kiến thức sư phạm và kỹ năng diễn giảng. Kinh Pháp tập có nêu 6 điều về sự nhẫn nhục:

1/ Bị mắng chửi mà không sân hận;

2/ Bị hành hạ mà vẫn chịu đựng;

3/ Bị phiền não bức bách mà vẫn an tịnh;

4/ An tịnh trước mọi giận dữ;

5/ Không bao giờ tức giận, oán thù;

6/ Không lay động trước sự được mất, khen chê, tâng bốc, hạ thấp, vui khổ.

Sáu điều này phù hợp với tinh thần thông điệp Hòa bình của Đức Phật.

Các cư sĩ Phật tử, trong chừng mực có thể, cần học tập theo các vị giảng sư để giáo thuyết Phật pháp cho người thân, cho những người khác trong các dịp thuận tiện. Đối tượng hoằng pháp chủ yếu là các Phật tử và những người không phải Phật tử. Mục đích của hoằng pháp là góp phần xây dựng xã hội an bình, hòa bình, hạnh lạc chứ không nhằm lôi cuốn người khác theo Đạo Phật mà chỉ giúp người ta sống hiền thiện theo như giáo lý nhà Phật. Trong 6 nhiệm kỳ qua kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập và cả trong nhiệm kỳ VII này, Ban Hoằng pháp Trung ương đã tổ chức 8 khóa đào tạo giảng sư Cao cấp và Trung cấp cũng chỉ nhằm mục đích là các học viên trở thành giảng sư tốt, phổ biến hiệu quả giáo lý của Đức Phật, góp phần xây dựng hạnh phúc, an lành cho mọi người chứ không hề khuyến khích các học viên tìm cách nâng cao số lượng Phật tử.

Năm nay, Phật lịch 2559, ngày Phật đản lại về. Một lần nữa ý nghĩa thông điệp Hòa bình của Đức Bản sư Thích ca Mâu ni thật vô cùng cần thiết, tưởng như những lời vàng từ chính kim thân của Ngài đang âm vang, nhắc nhở, khích lệ những người con Phật hãy nỗ lực tu tập, điều ngự thân, khẩu, ý để hòa nhập với mọi người trong tình thương yêu. Ngưỡng cầu Tam bảo gia hộ cho Phật pháp được trường tồn, đất nước thịnh lạc, thế giới hòa bình, chúng sinh hạnh phúc.

Nam-mô Bản sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu