Ăn chay ở đây có nghĩa là không ăn thịt, không ăn cá, không giết hại chúng sinh quanh ta để làm thực phẩm nuôi dưỡng thân ta. Mặn hiểu ở đây không có nghĩa mặn lạt.
Ăn chay là một trong năm giới phật tử tu tại gia phái đại thừa phải giữ. Ăn chay giúp cho phật tử không sát sinh.
Hiểu đúng nghĩa của việc ăn chay là ăn những thức ăn đem lại lợi lạc cho thân và tâm. Ta phải phân biệt được đâu là thức ăn đem lại khỏe mạnh, đâu là thức ăn gây hại cho thân và tâm. Ta cần phải thực tập chánh kiến khi chọn thực phẩm, khi nấu và khi ăn.
Thân và tâm ta đau khổ, phần lớn là do ta tiêu thụ thức ăn không có chánh niệm. Ta phải học cách ăn để thân và tâm khỏe mạnh. Khi ta làm thịt một con cá, một con gà, ta phải biết ta đang tạo nghiệp xấu vì đã sát hại một chúng sanh. Khi ta ăn những thực phẩm sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác, thì ta phải biết rủi ro ung thư rất cao. Khi ta hút thuốc lá thì ta phải biết ta đang ăn phải lá phổi của chính ta. Khi ta uống rượu bia quá mức thì thì ta phải biết ta đang ăn phải gan, tim, dạ dày của chính ta. Nếu ta còn có con nhỏ, mà ta tiêu thụ những thức ăn độc hại như vậy tức là ta đang ăn phải thịt da của chính con của ta. Con ta rất cần ta phải khỏe mạnh. Ta phải nhớ điều đó mỗi khi ta lựa chọn thức ăn.
Ta phải quán chiếu cách ta ăn để làm sao nuôi được thân thể khỏe mạnh mà hạn chế được việc sát hại con vật, gìn giữ được nguồn sống xung quanh. Điều đó rất cần thiết. Sử dụng một lượng phân bón vừa phải, một lượng thuốc trừ sâu trong hạn định là bảo vệ sức khỏe cho ta, cho con cháu chúng ta và giữ gìn môi trường xung quanh ta.
Ta khỏe mạnh không chỉ bởi thân mà còn tâm. Thân khỏe và tâm cũng phải khỏe. Con người có 6 giác quan mắt mũi, tai, lưỡi, thân ý. Ta phải khéo léo trong việc thực hành ăn chay. Ăn không phải chỉ để nuôi dưỡng thân, mà ta ăn còn để nuôi dưỡng tâm.
Ngày nay, thực phẩm chay có ở mọi nơi. Siêu thị, chợ, hàng quán đều có bán thực phẩm chay. Có cung ắt có cầu, chứng tỏ, người dân đã ý thức được chuyện ăn, giữ giới cấm sát sinh của nhà Phật. Nhưng thật lạ, ta ăn chay, nhưng tên gọi của nhiều món nghe có cái gì đó có vẻ mặn. Hầu hết các thực phẩm chay đều mang tên giả mặn như heo sữa quay chay, gà phát tài chay, chả lụa chay, chả quế chay, chả cá chay, nem chua và đến nước chấm cũng là nước mắm chay.
Chay giả mặn có thể đem lại hương vị giúp người ăn ngon miệng, nhưng thực ra đó thức ăn không đem lại lợi lạc cho sức khỏe… Các món chay giả mặn chủ yếu phải sử dụng đến các chất phụ gia, phẩm màu... và chất bảo quản độc hại. Chưa kể khi ta ăn chay, nhưng tâm ta lại ăn mặn, “tưởng" của ta là ta đang ăn thịt của cá, ta đang ăn thịt của heo, ta đang ăn thịt của bò. Phật dạy trong điều giác ngộ thứ nhất, trong Kinh Bát Đại Nhân Giác Kinh (Tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân), tâm là nguồn gốc của mọi việc ác, “thị tâm ác nguyên” (是心惡源). Chữ ác惡thuộc bộ 心. Ta hiểu ác cũng do tâm. Tâm là chủ thể của mọi hành động.
Nhiều vị vào quán chay và cho những người xung quanh biết là ta đang ăn chay, ta đang giữ giới. Nhưng vị đó chỉ ăn chay cho thân nhưng vị đó lại ăn mặn cho tâm.
Tâm ta đã mặn, thì thân ta cũng không thể chay và thiện. Ta chỉ cần gọi những món ăn đó thay vì gà, vịt, bò chay thành những tên của nhà chùa như Bồ đề, Sen, Thiền. Khi đó thân ta ăn chay và tâm ta cũng tịnh vậy. Dù biết tên nhãn hiệu sản phẩm là do nhà sản xuất đặt nhưng ta cứ thử đặt lại tên thuần chay vậy đi. Ta là sử dụng khách, ta thượng đế, tất nhiên người bán sẽ dần dần thay đổi theo ý của người sử dụng. Tu là vững chãi từng bước.
Hoàng Phước Đại – Đồng An
Theo phatgiao.org.vn
|
|