Cập nhật lúc 09:48:47 04-08-2020 (GMT+7)

Cầu nguyện, thiền tập giúp ích gì cho thi cử?

Dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay vẫn diễn ra theo kế hoạch, vào ngày 9 và 10-8 sắp tới. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu việc hoàn thành cấp học phổ thông và cũng là điều kiện để xét tuyển đại học.

Ngoài chuẩn bị đầy đủ kiến thức thì liệu pháp tinh thần để vững chãi, tạo tâm lý ổn định, trang bị kỹ năng làm bài cũng góp phần giúp sĩ tử có điểm số cao hơn. Dịp này, nhiều chùa đã tổ chức cầu nguyện, động viên và hướng dẫn các bạn trước khi bước vào kỳ thi, không ngoài mục đích “tiếp sức mùa thi”. Để các sĩ tử có thêm sự bình tĩnh, tự tin, báo Giác Ngộ đã có những cuộc trao đổi ngắn, ghi nhận những chia sẻ của quý tôn đức và các thầy cô giáo xoay quanh kỳ “vượt vũ môn” sắp tới.

thiquocgia.jpg
Học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Cầu nguyện mùa thi có phải là mê tín?

ĐĐ.Thích Trí KhôngPhó Chánh Thư ký BTS, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo GHPGVN tỉnh Nghệ An:   

Trong Phật giáo, các từ ngữ “cầu nguyện”, “cầu xin” hay “ước nguyện” được hiểu đồng nghĩa với thuật ngữ pràrthanà (Sanskrit) hay patthanà (Pali). Pràrthanà bắt nguồn từ gốc “pra + arth” có nghĩa là ước nguyện, ước muốn, mong cầu, cầu xin.

Cầu nguyện là một nhu cầu tinh thần của con người, và nhu cầu đó rất chính đáng. Trước hết đó là cách giải tỏa ức chế tâm lý do áp lực của hoàn cảnh, của thất vọng trong tình cảm, những bức xúc trong các mối quan hệ xã hội. 

Mặc dù đạo Phật nhấn mạnh vào hiện thực đời sống cùng các phương pháp chuyển hóa khổ đau rất thực tế, nhưng đạo Phật không duy vật chủ nghĩa, càng không phải duy vật thô sơ. Cầu nguyện, ngoài ý nghĩa thể hiện niềm tin, ước mơ, hy vọng, sự cam kết nỗ lực và quyết tâm để thực hiện ước mơ đó, còn là sự giao cảm giữa tâm và thân, giữa thân và cảnh, giữa trong và ngoài, giữa tự lực và tha lực...

anh 2.jpg

Quan niệm chỉ cầu nguyện, không cần học hành gì cả vẫn có kết quả tốt mới là mê tín. Thực ra, kết quả học tập sẽ được phản ánh qua kỳ thi, do đó việc quan trọng nhất là quá trình học tập trước đó, thời điểm gần ngày thi chỉ dành để ôn lại kiến thức, giữ sức khỏe, tinh thần để vượt qua kỳ thi theo cách nhẹ nhàng nhất.

Tôi nhấn mạnh, cầu nguyện mùa thi tại chùa chỉ nhằm giúp các bạn trẻ định tâm, tự tin và có tâm lý thoải mái hơn trước khi bước vào ngày thi chính thức. Việc đạt kết quả cao hay thấp trong kỳ thi phụ thuộc vào quá trình học hành của mỗi cá nhân.

ĐĐ.Thích Đồng Tuệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Nghệ An, trụ trì chùa Hà - H.Nam Đàn:

- Tại lễ cầu nguyện mùa thi ở chùa tôi, giáo viên các trường THPT cùng với chư Tăng tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đi thi, làm bài thi… nhằm chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho các sĩ tử.

Khi tham gia chương trình này, các em được phát hai cây bút và thước kẻ - là những dụng cụ cần thiết khi vào phòng thi. Ngoài ra, nhà chùa viết thư pháp trao tặng cho các em nhằm mục đích đề cao sự học, mong muốn các em chăm lo ôn luyện, giữ gìn thân tâm an lạc để hoàn thành kỳ thi tốt nhất.

anh 1.jpg

Một thí sinh có nền tảng kiến thức tốt luôn cảm thấy vững tâm hơn những thí sinh khác. Đó là yếu tố có tính quyết định tới bài thi. Còn lễ cầu nguyện thực ra cũng chỉ là dịp để chia sẻ kinh nghiệm: Khi đi thi, các em đến trước thời gian thi 20-30 phút để ổn định tâm lý; khi nhận đề thi, điều đầu tiên phải làm đó là điền các thông tin theo yêu cầu, lắng nghe thầy cô phổ biến quy chế thi. Đọc lướt một lần đề thi, xác định câu dễ, câu khó. Làm câu dễ trước, làm phần nào chắc phần đó, dù là thi môn gì cũng phải trình bày rõ ràng, sáng sủa, mạch lạc…

Học và thi trong tỉnh thức

ThS.Lê Văn HiếnTổ trưởng tổ Hóa, Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM:

- Để vượt qua kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh phải trải qua bốn bài thi gồm Toán, Văn, Anh và Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Do đó, thời gian này là giai đoạn nước rút để ôn tập. Những áp lực thi cử đó khiến các bạn có nhiều lo âu, mệt mỏi.

Trong một lần giảng bài trên lớp, khi thấy học sinh vừa học môn Hóa vừa học môn khác, tôi hỏi: “Vừa học môn thầy vừa học môn khác vậy có hiệu quả không?”. Các bạn trả lời không, nhưng vì lo sợ nên phải làm vậy.

anh 3.jpg

Cũng là một Phật tử, tôi được thực tập “làm việc gì - rõ biết việc đó thì kết quả mới tốt”. Rõ ràng, khi các bạn học môn này mà đầu óc lo lắng về môn kia thì cả hai môn đều không có kết quả tốt.

Tôi nghe Hòa thượng Thích Thanh Từ giảng: “Muốn biết kết quả ngày mai ra sao thì hãy xem việc làm hôm nay”. Kết quả học tập sẽ biểu hiện không tốt trong tương lai nếu chúng ta chỉ có lo lắng mà không tập trung học hoặc học không đúng cách ngay từ bây giờ.

Thay vì để tâm chất chứa quá nhiều phiền muộn về những chuyện của tương lai, các bạn nên vạch ra kế hoạch tốt cho việc học tập các môn học của mình. Sau khi đã có kế hoạch thì cứ thế làm theo. Giờ nào học cái gì ta chỉ chủ đích vào việc học cái đó.

Ngay cả khi làm bài thi, các bạn cũng cần có sự tỉnh thức, nghĩa là chỉ biết mình đang làm bài thi. Nếu các bạn cảm thấy lo lắng quá mức trước đề thi thì hãy ngồi yên, không suy nghĩ gì, chú ý hơi thở: hít vào biết mình đang hít vào, thở ra biết mình đang thở ra. Cứ như thế trong vài phút, khi đủ tĩnh lặng, thì sự lo sợ kia cũng sẽ tan biến mất.

* Cô Tăng Thành Khánh LinhGiáo viên Kỹ năng sống Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Anh

- Trước thi, các bạn không nên nhồi nhét quá nhiều bài vở, cần tập trung vào nội dung chính, những ý tưởng quan trọng thông qua các phương pháp ghi nhớ, tư duy…

Theo đó, với các môn tự nhiên cần hiểu các công thức, học thuộc các công thức, định lý, nguyên tắc, cách chứng minh công thức. Còn các môn xã hội, không nên học theo kiểu thuộc lòng từng câu, từng chữ mà hãy tóm tắt lại bài học, ghi nhớ cột mốc, sự kiện chính xác, tập trung vào những nội dung chính yếu.

Ngoài ra, cần phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi một cách hợp lý. Bạn có thể lựa chọn một nơi thật yên tĩnh để học bài, rồi vừa học vừa thư giãn để đầu óc được nghỉ ngơi. Hoạt động thư giãn bạn có thể áp dụng: ngồi thiền, đi dạo bộ, chơi thể thao, nghe những bản nhạc nhẹ nhàng có tính chất nuôi dưỡng tâm hồn…

anh 4.jpg

Đặc biệt, không nên thức quá khuya vì sẽ làm giảm trí nhớ. Nên ngủ thật đủ giấc, tránh làm cơ thể suy nhược, mất sức. Khi bắt đầu bước vào giấc ngủ cần bỏ hết mọi suy nghĩ linh tinh, bài vở, điểm thi… sang một bên, chỉ cần hít thở thật sâu, thật nhẹ nhàng.

Thêm nữa, các bạn cần có một chế độ ăn uống thật hợp lý: nên ăn chín, uống sôi, ăn nhiều thực phẩm sạch có nguồn gốc tự nhiên như các loại rau, củ, quả, hạt, trứng, sữa, nước ép trái cây… Hạn chế việc sử dụng các chất kích thích như: trà đậm đặc, cà-phê, thuốc lá…

Hữu Tình - Tấn Khôi ghi
An tâm bằng phương pháp thiền

Mỗi ngày bạn cần dành ra khoảng 15 đến 20 phút để tập hít thở, nhiều hơn nữa thì càng tốt. Bạn có thể chọn cho mình một nơi yên tĩnh, mát mẻ, sử dụng một trong các tư thế mà mình yêu thích như: ngồi, nằm hoặc đi bộ. Sau đó, chỉ cần hít thở thật sâu, thật nhẹ nhàng để tiếp xúc với thiên nhiên, với những gì đẹp nhất của đất trời. Vì không suy nghĩ đến những áp lực thi cử, dành thời gian quan tâm vào việc hít thở nên khả năng tập trung của các bạn phát triển cao. Khi đó các bạn có thể gợi nhớ lại kiến thức một cách rất tốt đối với các môn tự nhiên và dễ dàng chạm được vào mạch cảm xúc của mình đối với các môn xã hội.

Cô Tăng Thành Khánh Linh,
Giáo viên Kỹ năng sống Trường Tiểu học - THCS - THPT Việt Anh

Nguồn: Giác Ngộ

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu