Cập nhật lúc 06:59:16 16-06-2020 (GMT+7)

Hòa thượng Thích Huệ Thông – Người nặng lòng cho sự nghiệp phát triển đạo pháp, dân tộc

Cách trung tâm thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) 500m về hướng Đông, có một ngôi cổ tự niên đại hơn 250 năm là tổ đình Hội Khánh. Đây là một công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và tôn giáo, được công nhận là di tích Lịch sử -Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Trong suốt 250 năm kể từ ngày thành lập, tổ đình Hội Khánh đã trải qua 10 đời trụ trì. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, song về cơ bản ngôi chùa vẫn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu, với những hoa văn, câu đối, liễn, hoành phi, vách tường vôi đậm màu thời gian gợi nhớ biết bao nhiêu điều hoài cổ… Bất kỳ ai khi đặt chân đến ngôi cổ tự này đều bồi hồi xúc động bởi toàn bộ không gian nơi đây vẫn bàng bạc hồn xưa.

HT. Thích Huệ Thông, tại khuông viên chùa Hội Khánh

Là trụ trì đời thứ 10 của tổ đình Hội Khánh, Hòa thượng Thích Huệ Thông được Ban Trị sự tỉnh Hội Phật giáo Bình Dương bổ nhiệm về làm trụ trì Tổ đình Hội Khánh từ đầu năm 1989. Hơn 30 năm chịu trách nhiệm quản lý điều hành và duy trì những giá trị của ngôi cổ tự, Hòa thượng Thích Huệ Thông đóng góp vai trò lớn trong việc gìn giữ, trùng tu, xây dựng phát triển cho đến việc hoằng pháp lợi sanh.

Tổ đình Hội Khánh gồm hai khu: khu di tích cổ với tổng diện tích hơn 8.200m2 và khu  Trung tâm văn hóa Phật Niết bàn diện tích trên 13.800 mđối diện với khu vực di tích lịch sử. Trong suốt thời gian trụ trì, Hòa thượng Huệ Thông đã cho đổ đất chỉnh trang lại khu đồi phía Tây lang và tuần tự cho xây 04 Thánh tích: Phật Đản sinh, Phật chuyển Pháp luân, Phật thành đạo và Phật Nhập Niết bàn. Tượng Phật niết bàn đã được trung tâm xác lập kỷ lục công nhận là tượng Phật nằm trên mái chùa dài nhất Châu Á, buổi lễ được tổ chức long trọng vào ngày 17/5/2013.

Hòa thượng Thích Huệ Thông sinh năm 1960 tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, yêu nước và kính tin Tam bảo, ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Phật giáo. Thầy là đệ tử của Hòa thượng Hồng Tín – Huệ Thành, nguyên Tăng thống Giáo hội Phật giáo cổ truyền Lục Hòa Tăng Việt Nam, Phó Pháp Chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự đóng góp cho Phật giáo tỉnh Bình Dương của Hòa thượng Thích Huệ Thông có thể kể từ năm 1983, khi Hòa thượng mới 23 tuổi. Hòa thượng được sự thương yêu và tin tưởng của quí Hòa thượng lãnh đạo giáo hội lúc bấy giờ đã giao  nhiều chức vụ Phật sự quan trọng như: Phó Thư ký Chánh Văn phòng, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự, Phó Trưởng Ban Thường Trực Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Dương, Phó Ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng Pháp Trung Ương, Trưởng ban Hoằng Pháp Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Dương, Hiệu Trưởng Trường Trung Cấp Phật Học Bình Dương (khóa II, III). Hòa thượng Thích Huệ Thông hiện đang đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Thư Ký kiêm Chánh Văn Phòng II Trung Ương Giáo hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Pháp chế Trung Ương, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương. Về công tác đoàn thể xã hội, Hòa thượng là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương; Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương (2016 – 2021), UV BCH Hội Khoa Học Lịch Sử tỉnh Bình Dương.

Trên cương vị Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương kể từ nhiệm kỳ VIII (2012 – 2017)  đến nay IX (2017 – 2022), Hòa Thượng Thích Huệ Thông đã điều hành thông suốt công tác Phật sự của tỉnh, hoàn thành công việc của Trung ương Giáo hội. Hòa thượng luôn vận động các Tăng, ni, Phật tử trong tỉnh thực hiện tốt tinh thần hòa hợp, đoàn kết các tổ chức hệ phái; thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần ổn định và phát triển tổ chức giáo hội tỉnh nhà.

Dù đảm nhiệm rất nhiều công tác Phật sự của Tổ đình Hội Khánh và trọng trách Phật sự từ Trung Ương đến địa phương, nhưng Hòa thượng Huệ Thông vẫn dành nhiều thời gian nỗ lực công phu, nghiên cứu nội điển và lịch sử Phật giáo tỉnh nhà. Hòa thượng là tác giả của nhiều đầu sách Phật giáo như: Sơ thảo Phật giáo Bình Dương (2000),  Những ngôi chùa Bình Dương quá khứ và hiện tại (2002), chủ biên Tạp chí Hương Sen, Mẹ từ suối nguồn yêu thương đến chân trời Giác ngộ (2007),  Chân hạnh phúc chỉ có từ chánh niệm (2008), Bình Dương danh lam Cổ Tự, Đức Phật và con đường Tuệ Giác (2010), Giáo dục và Hoằng pháp “ Cơ hội và Thách thức” 2010, Lịch sử Phật giáo Bình Dương (2015), Lược sử Giáo Hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam ( 2019), Khái quát hoạt động quản trị hành chánh trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam ( 2019) và nhiều đầu sách khác. Đặc biệt Hòa thượng am tường và có cái nhìn sâu sắc về từng móc lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như lịch sử dân tộc Việt Nam từ đó Hòa thượng đã tham gia chấp bút viết hàng trăm bài tham luận hội thảo khoa học cấp quốc gia giúp học giả trí thức tiếp cận với Phật pháp cũng như công lao to lớn của các bậc tiền bối hữu công Phật giáo đã cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Với vai trò là Đại biểu HĐND tỉnh, thành viên UBMTTQ tỉnh, Hòa Thượng luôn nắm bắt tình hình dư luận, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội gửi đến Đảng và chính quyền các cấp, để điều chỉnh và ban hành những chủ trương, quyết sách đúng đắn, tham gia góp ý xây dựng các chủ trương, nghị quyết của Đảng.

Là người đứng đầu Phật giáo tỉnh Bình Dương, không chỉ truyền giảng Phật pháp cho các lớp tăng, ni kế cận, vận động Phật tử, người dân sống theo pháp luật, trách nhiệm với gia đình và xã hội, Hòa thượng còn luôn tâm huyết với những hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, giúp cho những hoàn cảnh khó khăn vươn lên, vượt qua những nỗi đau, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn bằng tình yêu thương của con người với giáo lý từ bi của Đạo Phật.

Ghi nhận những hoạt động và đóng góp tích cực cho xã hội, Hòa Thượng Thích Huệ Thông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc (2012), Huân chương Lao động hạng nhì (2018),  02 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa và nhiều Huy chương, bằng tuyên dương công đức, bằng khen các cấp. Đặc biệt, trong dịp Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức vào năm 2018, Hòa Thượng đã vinh dự nhận được Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2018.

Với phương châm Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc, vì lợi lạc của quần sinh, Tổ đình Hội Khánh nói riêng cũng như Phật giáo Bình Dương nói chung dưới sự điều hành, dẫn dắt của Hòa thượng Thích Huệ Thông ngày càng lớn mạnh với những công trình Phật giáo, cơ sở Phật tự trang nghiêm, thanh tịnh đạo tràng… Những đóng góp của Tổ đình Hội Khánh mà trong đó có một phần công lao của Hòa thượng Thích Huệ Thông thật đáng trân trọng cho sự phát triển của Phật giáo, vì sự ổn định và phát triển của tỉnh nhà.

Thích Tâm Thông - Nguồn: Phật Sự Online

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu