Định nghĩa lợi tha
Theo
Phật học Từ điển (Đoàn Trung Còn): Lợi là ích lợi, tha là người khác. Lợi tha là làm tất cả những gì có ích lợi cho người và vật. Lợi tha là đối nghĩa với lợi kỷ, ích kỷ tức chỉ nghĩ đến lợi ích cho riêng mình. Trong đạo Phật, lợi tha là vấn đề quan trọng, nó hàm chứa hầu hết tâm nguyện và công việc của một người Phật tử, giúp tiến bước trên con đường đạo. Người Phật tử không bao giờ chỉ thấy có mình mà không thấy có người, có vật khác hoặc chỉ làm lợi cho mình mà không làm lợi cho người hay vật khác.
Theo lời Phật dạy, mỗi chúng sinh đã có Phật tánh, thì tất nhiên cũng đã có tánh lợi tha
Tính chất của lợi tha
Trong đạo Phật hay ngoài đời đều có lợi tha. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận không biết bao nhiêu tấm gương hy sinh cao cả của những bậc anh hùng, chí sĩ, triết gia, bác học đã giúp ích lớn lao cho nhân loại. Những suy nghĩ và việc làm lợi tha này rất cao cả, đáng tôn vinh nhưng cũng còn hạn cuộc bởi một vài khía cạnh: hoặc thiên về mặt vật chất hơn tinh thần, hoặc hạn cuộc trong phạm vi đời sống, hoặc còn thấy có nhân và có ngã, có kẻ làm ơn và kẻ mang ơn.
Lợi tha trong đạo Phật gồm đủ cả hai phương diện vật chất và tinh thần (nhất là tinh thần), đó là tinh thần thế gian và xuất thế gian gồm hiện tại và vị lai, nó không thấy có nhân và có ngã, tức không phân biệt kẻ làm ơn và người mang ơn. Lợi tha trong đạo Phật được hiểu với nhiều hàm ý, hay với nhiều thứ:
- Lợi tha về vật chất, có hai thứ là ngoại tài thí và nội tài thí: Ngoại tài thí là đem những vật thực, đồ đạc, tiền bạc của mình cho người hay vật. Nội tài thí là lấy sức lực, tài năng, thời giờ, thân mạng của mình làm lợi ích cho người và vật.
- Lợi tha về tinh thần cũng có hai thứ là vô úy thí và pháp thí: Vô úy thí là làm cho người hay vật hết lo lắng, sợ hãi khi họ đang gặp tai nạn hay đang sống trong cảnh lo lắng phập phồng. Nói một cách khác là trấn tĩnh người và vật, đem lại sự yên ổn cho tâm hồn họ. Pháp thí là đem giáo lý của Đức Phật ra giảng dạy cho người, làm cho họ rõ biết đường lối tu hành để thoát ra khỏi cảnh khổ sinh tử luân hồi.
Trong hạnh bố thí, muốn cho được rốt ráo, đầy đủ mọi phương diện thì phải bố thí ba-la-mật, là một trong sáu pháp tu của những vị theo hạnh Bồ-tát. Bố thí ba-la-mật là bố thí không vì danh, vì lợi riêng; không phân biệt kẻ quen, người lạ, kẻ thân, người thù, kẻ sang, người hèn; không so đo số lượng bố thí là ít hay nhiều, là quý hay không; không chấp ta là người bố thí, kia là người thọ thí. Pháp bố thí này dựa trên trí tuệ, từ bi và bình đẳng của Phật.
Những phẩm tính trên không hạn cuộc trong không gian thời gian, đã san bằng nhân và ngã, thì pháp bố thí này cũng phải có tính cách rộng rãi tuyệt đối. Nhưng lợi tha không phải hạn cuộc trong sự bố thí, dù hình thức bố thí ấy rất rốt ráo, đầy đủ bao nhiêu.
Vậy lợi tha còn nằm trong những thể thức, phương tiện khác như:
- Ái ngữ: nghĩa là dùng lời nói nhẹ nhàng, êm ái và yêu thương trong khi tiếp xúc với người xung quanh. Nhờ lời nói ôn tồn dịu ngọt ấy mà người đối thoại với ta thêm lòng tin, càng hăng hái làm việc, cảm thấy được sống trong một làn không khí hòa thuận tin yêu.
- Lợi hành: là làm tất cả những điều có lợi ích cho mọi người (làm chứ không phải bố thí) như dạy người học, giúp công ăn việc làm, tìm cách nâng cao đời sống của đồng loại v.v…
- Đồng sự: tức cùng làm công việc với người, cùng sống hoàn cảnh của họ để hiểu họ, nâng đỡ, cảm hóa họ dần dần hướng họ về con đường đạo đức tươi sáng.
Bốn cách làm lợi ích cho người như thế, gọi là tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).
Công năng của lợi tha
Nhờ lợi tha mà về vật chất, người chung quanh ta được lo ấm, có nơi ăn chốn ở; về tinh thần đỡ lo sợ, sống an vui, có đạo đức, tin tưởng ở đời sau và có thể giải thoát được cảnh giới tối tăm này để sống ở một cảnh giới tốt đẹp hơn.
Tánh lợi tha càng rộng lớn thì lợi ích càng lan xa, từ một vùng đến một tỉnh, từ một tỉnh đến một nước, từ một nước đến nhiều nước; từ người đến vật, từ vật đến cỏ cây.
Tánh lợi tha không những chỉ ích lợi cho người khác mà cũng ích lợi rất nhiều cho chính người làm lợi tha nữa. Nhờ lợi tha mà người ta mở rộng lòng từ bi, trau giồi trí tuệ, áp dụng có hiệu quả tánh bình đẳng của Phật.
Nhân đây chúng ta nhìn lại tấm gương lợi tha của Đức Thế Tôn để tăng thêm lòng tinh tấn: Theo lịch Phật giáo, Đức Thích Ca Mâu Ni thị hiện ở Ta-bà này là vì lòng lợi tha rộng lớn muốn cứu độ chúng sinh. Ngài đã lìa bỏ gia đình, ngôi báu, danh vọng cũng vì muốn làm lợi ích chúng sinh. Ngài thuyết pháp trong suốt 49 năm cũng chỉ vì muốn cho tất cả mọi người đều được giác ngộ thành Phật như mình. Suốt đời, Ngài chỉ đeo đuổi một mục đích cao cả là tự giác, giác tha, tự độ, độ tha, tự lợi, lợi tha. Từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm, Ngài đều hướng về mục đích ấy. Ngài không từ bỏ một việc làm, một cử chỉ nhỏ nhặt nào, nếu có thể đem lại lợi ích cho người và vật. Ngài đã xâu kim cho một người già, đuổi một con nai xa nơi nguy hiểm, dạy cách cày bừa có hiệu quả cho một người làm ruộng... Khi Ngài đã già yếu (theo luật vô thường) mà vẫn không ngừng đi thuyết pháp độ sinh, các đệ tử khuyên Ngài hãy tịnh dưỡng, nhưng Ngài gạt đi và nói một câu đầy ý nghĩa: “Các người đừng khuyên Ta như thế, ngày nào Ta còn tại thế thì ngày ấy phải không vô ích”.
Theo lời Phật dạy, mỗi chúng sinh đã có Phật tánh, thì tất nhiên cũng đã có tánh lợi tha. Chúng ta hãy noi gương lợi tha của Đức Phật và tổ thầy để nuôi dưỡng tánh lợi tha của mình. Đừng bao giờ từ chối một việc lợi tha nào, dù là nhỏ bao nhiêu. Lượm một hòn đá giữa đường, quăng một cành gai vào bụi, đều là những công việc đáng làm cả... Nói một lời dịu dàng hòa hảo, an ủi vỗ về người lo sợ, buồn phiền với một vài câu phấn khởi đó là những việc lợi tha không nên bỏ. Chỉ bày cho người chung quanh những điều hay lẽ phải; hướng dẫn họ đi dần dần vào trong đạo; làm cho họ hiểu rõ giáo lý Phật-đà mà dốc lòng tu tập. Đó là những việc làm lợi ích mà người Phật tử chúng ta không thể lơ là được.
Từ những việc làm lợi ích nhỏ bé ấy, chúng ta tập tiến dần trên đường lợi tha, làm những việc ích lợi quan trọng hơn. Nếu giàu tiền của, chúng ta hãy bỏ ra để giúp việc mở trường học, nhà dưỡng đường, ký nhi viện, dưỡng lão viện, làm đường sá, cầu cống, đào sông ngòi... Nếu không có tiền của, chúng ta hãy làm những nội thí như: tham gia vào các dưỡng đường, hoặc góp một số thời giờ vào dưỡng lão viện... Nếu chúng ta có trí thông minh hơn người, có ý chí mạnh mẽ, thì quyết tâm học tập để trở thành những nhà trí thức lành mạnh, có tâm hồn xây dựng, những nhà khoa học, triết gia nhất tâm phụng sự cho đời, cho đạo.
Với một chí nguyện lớn hơn nữa, chúng ta quyết tâm tự giác để giác tha, tự độ để độ tha. Làm được như thế, nuôi dưỡng tánh lợi tha đến trình độ viên mãn, ấy là chúng ta giác ngộ toàn triệt và mau chóng thành tựu quả Phật.
Nguyễn Đức Sinh - Nguồn: Phật Sự Online