Chị Huỳnh Tiểu Hương, sinh năm 1968, nguyên quán An Giang. Ngày 10 tháng 12 năm 2001, chị đứng ra xin phép mở Trung tâm nhân đạo Quê Hương tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ban đầu Trung tâm nuôi chừng vài chục em, rồi 100, 120… Đến nay, số lượng đã lên đến 345 em, trong đó có nhiều cháu sơ sinh vài tháng tuổi đến 1, 2 tuổi, số còn lại có độ tuổi 5-6 tuổi. Mỗi cháu có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng với tình thương của chị Tiểu Hương và cán bộ, nhân viên, giáo viên ở trung tâm, tất cả các em nhỏ ở đây đều có giấy khai sinh, có hộ khẩu, được nuôi nấng, chăm sóc chu đáo, được ăn học tử tế.
Chị Huỳnh Tiểu Hương, sinh năm 1968, nguyên quán An Giang.
Nhiều em sau khi trưởng thành đã hòa nhập vào cuộc sống xã hội. Tất cả các em đều mang họ Huỳnh (họ của chị Huỳnh Tiểu Hương) và đều gọi chị là mẹ. Hiện “đại gia đình” chị Huỳnh Tiểu Hương có cuốn sổ Hộ khẩu ở địa chỉ 1210 đường DT 743 khu phố Tân Long- Phường Tân Đông Hiệp- Thị Xã Dĩ An - Tỉnh Bình Dương, dày 2cm và dài trên 3 mét, với số lượng nhân khẩu mang họ Huỳnh lót chữ Tiểu gần 200 người.
Đây là cuốn sổ hộ khẩu có độ dày và dài nhất, có số lượng nhân khẩu cùng họ, cùng chữ lót nhiều nhất Việt Nam, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Xác lập kỷ lục Chủ hộ có sổ hộ khẩu dày và dài nhất năm 2011 và xác lập Kỷ lục Châu Á năm 2017.
Đại gia đình có sổ Hộ khẩu dày 2 cm và dài trên 3m.
PV: Thưa chị, chị có thể giới thiệu đôi chút về cuộc đời mình và vì sao chị lại thương yêu những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh như chính con mình?
- Tôi không biết mình sinh ra ở đâu, năm nào, chỉ áng chừng năm 1968, 1969 gì đó! Vì lúc lọt lòng mẹ cũng chính là lúc tôi bị ném ra đường trong một cái túi ni-lông như một của nợ mà cha mẹ tôi phải vứt bỏ đi. Tôi cũng không nhớ, không biết ai đã nhặt tôi đem về nuôi, chỉ biết rằng năm lên 5 - 6 tuổi, để được ăn miếng cơm hẩm, canh thừa tôi phải chịu đựng những lằn roi tóe máu, những cái tát nẩy lửa của người gọi là nuôi tôi. Và rồi, năm lên 10 tuổi, không biết vì đâu tôi lại theo chân một bà lão đi xin ăn khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Trị và trên những con tàu chợ từ tỉnh này qua tỉnh khác, để rồi sau đó về làm con nuôi một gia đình tại tỉnh Vĩnh Phúc. Được một thời gian ngắn, tôi bị chính người cha nuôi cưỡng hiếp, tôi phải trốn chạy khỏi căn nhà tủi nhục ấy để trở lại sống vất vưởng trên đoàn tàu Bắc – Nam.
Sống trên đoàn tàu một thời gian dài chừng 4-5 năm. Trên tàu, tôi bị một người đàn ông lớn hơn tôi chừng 10 tuổi dụ dỗ rồi đem bán cho một nhà chứa ở Vũng Tàu… Để ép buộc, bọn ma cô lừa và chích vào người tôi một loại thuốc mà sau đó tôi mới biết là ma túy. Để có tiền chích, hút, tôi buộc phải "đi khách" nhưng trong lòng vẫn luôn nung nấu ý định trốn thoát khỏi vũng bùn nhơ nhớp, tanh hôi ấy.
Bản thân tôi thường xuyên trực tiếp nấu ăn cho những người bị những căn bệnh hiểm nghèo mà mọi người xa lánh như: lao, phong, ung thư…
Sau 3 tháng sống ở nhà chứa gái mại dâm ở Vũng Tàu, tôi lừa bọn ma cô và trốn về được Sài Gòn. Về sau, tôi quyết tâm chống trả với cơn nghiện bằng nghị lực, bằng ý chí sắt đá của mình. Không hề có một vị thuốc cai nghiện nào, không hề có một y-bác sĩ nào phụ trách cai nghiện nhưng tôi đã tự mình cắt cơn nghiện chỉ trong một thời gian ngắn…
Sau khi cai nghiện được ma túy, tôi xin được một chân phụ bán cà phê ở Bến Bạch Đằng. Cuộc sống bình lặng trôi qua cho đến một hôm có người khách nước ngoài quốc tịch Đài Loan tên là Chao Lai Wang đến uống cà phê ở quán. Đây có thể là mối nhân duyên thiên định đã giúp tôi thoát khỏi cảnh đói nghèo, bần cùng, tủi nhục…để trở thành người khá giả và giúp đỡ những người bất hạnh, khốn khó sau này. Chao Lai Wang thuê cho tôi một căn nhà ở quận 1 để tôi có chỗ đi về. Căn nhà sau là nơi trú ngụ của cả chục đứa bạn không nhà cửa và những đứa trẻ lang lang bụi đời.
Tôi thường ôm ấp những đứa trẻ sơ sinh, 1, 2, 3…tuổi không cha mẹ vào lòng như ôm ấp chính con ruột do mình đẻ ra.
PV: Gian truân khổ ải rồi cũng qua, tủi nhục ê chề rồi cũng hết, nhưng con đường để trở thành người giàu có của chị thì như thế nào?
- Đúng vậy, tôi đã vượt qua những cơn hoạn nạn, những đau đớn tủi nhục ê chề nhưng vẫn còn nghèo khổ, thiếu thốn… Thế rồi, không lâu sau Chao Lai Wang về nước. Trước lúc chia tay, Chao đã tặng cho tôi 20 lượng vàng và nói là nên mua căn nhà để ở. Tôi mua một căn nhà ở quận 1 giá 18 lượng vàng, không ngờ chỉ vài ngày sau có người đến đòi mua lại với giá 25 lượng. Tôi quyết định bán, và như ông trời bù đắp cho những mất mát đau khổ của tôi… Sau đó tôi mua căn nhà khác, rồi cũng có người khác đến mua giá cao hơn. Cứ thế, chưa đầy một năm, tôi đã có trong tay hơn 100 lượng vàng, và hai ba năm sau tôi trở thành người giàu có, trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh địa ốc - một tỷ phú chưa hề biết cầm cây viết viết lên một chữ nào nhưng tâm hồn thì bao dung, độ lựợng và thương yêu người nghèo khổ vô bờ bến.
Tôi vừa làm việc kinh doanh, vừa làm việc từ thiện, những đồng tiền tôi kiếm được tôi đem đến cho các trại mồ côi, các trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn, bệnh tật. Bản thân tôi thường xuyên trực tiếp nấu ăn cho những người bị những căn bệnh hiểm nghèo mà mọi người xa lánh như: lao, phong, ung thư… Tôi thường ôm ấp những đứa trẻ sơ sinh, 1, 2, 3…tuổi không cha mẹ vào lòng như ôm ấp chính con ruột do mình đẻ ra.
Năm 2001, tôi quyết định thành lập một trung tâm để nuôi nấng trẻ mồ côi, không cha mẹ thừa nhận.
PV: Người ta thường nói "phú quý sinh lễ nghĩa”- chị giàu có, trẻ trung, xinh đẹp, quan hệ với giới thượng lưu, sao không chọn cho mình tấm chồng để được yêu thương, chăm sóc?
- Điều đó đôi khi tôi cũng có nghĩ tới nhưng chỉ là đôi khi thôi, còn việc tôi thường xuyên nghĩ đến là bên tai tôi vẫn còn nghe tiếng khóc thảm thiết của những đứa trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi như mình ngày trước. Trước mắt tôi vẫn còn quá nhiều những mảnh đời cơ cực, bất hạnh, đói khổ và hàng trăm, hàng nghìn trẻ em mồ côi khuyết tật cần có sự đùm bọc, che chở của những tấm lòng nhân ái và của cộng đồng xã hội. Và tôi quyết định…
PV: Quyết định, mà quyết định điều gì vậy chị?
- Năm 2001, tôi quyết định thành lập một trung tâm để nuôi nấng trẻ mồ côi, không cha mẹ thừa nhận. Và, vào ngày 10 tháng 12 năm 2001, tôi đứng ra xin phép mở Trung tâm nhân đạo Quê Hương tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ban đầu Trung tâm nuôi chừng vài chục đứa, rồi 100, 120… Đến nay, số lượng đã lên đến hơn 345 em, trong đó có trên 80 cháu sơ sinh vài tháng tuổi đến 1, 2 tuổi, số còn lại có độ tuổi 5-6 tuổi.
Trung tâm có đến 54 người làm việc quần quật suốt ngày.
PV: 345 cháu? Số lượng trẻ nhiều như vậy, làm thế nào để chăm sóc nuôi nấng?
- Để chăm sóc cho hơn 345 cháu, Trung tâm có đến 54 người làm việc quần quật suốt ngày. Đây là một công việc mà ít ai trên đời này làm được. Dù Trung tâm có mở một công ty sản xuất nước đóng chai để kiếm thêm thu nhập nhưng rồi vẫn không đủ thiếu vào đâu. Nỗi lo thiếu thốn đồ ăn, thức uống, chất dinh dưỡng, sữa, tã lót…cho các con vẫn luôn canh cánh bên lòng tôi và những người cộng sự.
PV: Nghe nói tất cả các cháu đều có giấy khai sinh, có hộ khẩu và được đến trường, điều đó đúng không?
- Đúng vậy, đại gia đình tôi có sổ Hộ khẩu dày 2 cm và dài trên 3 mét, với số lượng nhân khẩu mang họ Huỳnh lót chữ Tiểu trên 160 người. Đây là cuốn sổ hộ khẩu có độ dày và dài nhất, có số lượng nhân khẩu cùng họ, cùng chữ lót nhiều nhất Việt Nam (đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam Xác lập kỷ lục năm 2010). Đó là điều tự hào của gia đình tôi đồng thời cũng là gánh nặng đè lên vai tôi.
Trung tâm nhân đạo Quê Hương hiện đang nuôi dưỡng gần 400 cháu mọi lứa tuổi.
PV: Sau hơn 10 thành lập Trung tâm, các con chị nay có lẽ đã lớn khôn, chị cho biết có bao nhiêu cháu đã trưởng thành?
- Thành lập Trung tâm năm 2001, nhưng trước đó hơn 10 năm tôi đã nuôi con ở những nơi khác. Tính đến thời điểm này tôi đã lo cho gần 4.000 cháu. Các con tôi nay đã khôn lớn, rất nhiều cháu học hành đỗ đạt, là kỹ sư, giáo viên, công nhân viên nhà nước… Chúng đi làm xa nhưng đến ngày sinh nhật Trung tâm (10/12) là đều tập trung về mái nhà xưa để ôn lại kỷ niệm. Nhiều đứa khi muốn lập gia đình cũng đều trở về nhà nhờ Mẹ Hương tổ chức đám cưới. Chúng tôi có một quỹ đám cưới dành cho các con, năm ngoái tổ chức đám cưới cho 4 cặp vợ chồng ngay tại Trung tâm.
Cơ sở vật chất của Trung tâm rộng trên 1ha với nhiều dãy nhà tương đối rộng, thoáng mát. Một dãy nhà 3 tầng có khoảng trên 16 phòng ngủ cho các cháu và nhiều dãy nhà khác làm văn phòng, nhà ăn, phòng học, thư viên, sân chơi… Và có cả ngôi chùa khang trang với cảnh trí thanh tịnh thờ vô số tượng Phật.
Đến với các cháu mồ côi, bất hạnh nơi đây, ngoài những tấm lòng từ thiện của đồng bào trong nước còn có cả bà con ở hải ngoại.
PV: Những tấm lòng từ thiện, ưu ái của mọi người và những phần thưởng cao quý mà xã hội dành cho chị?
- Đến với Trung tâm nhân đạo Quê Hương, đến với các cháu mồ côi, bất hạnh nơi đây, ngoài những tấm lòng từ thiện của đồng bào trong nước còn có cả bà con ở hải ngoại. Năm 2006, tôi đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bình chọn là "Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam”. Nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng vinh danh tôi là: "Người phụ nữ Đương đại Việt Nam; Người phụ nữ nuôi con khỏe, dạy con ngoan; Đại sứ Từ thiện thế giới…”
Những năm tháng qua, tôi đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ. Ngành TW và các tỉnh, thành trong cả nước.
Để động viên, hỗ trợ tinh thần cho tôi và tập thể Trung tâm, nhiều vị lãnh đạo cao cấp Nhà nước như: Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, Cố Tổng bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyên Chủ tịch UBMTTQVN Phạm Thế Duyệt, nguyên Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa… và nhiều vị lãnh đạo cao cấp khác đã đến Trung tâm thăm hỏi, tặng quà cho các cháu…
Chị Huỳnh Tiểu Hương và Cố Tổng bí thư Đỗ Mười.
PV: Nguyện vọng và ước mơ của chị và Trung tâm hiện nay là gì? Chị có điều gì cần gởi gắm đến với mọi người?
- Ước mơ của tôi hiện nay là xây dựng một Bệnh viện từ thiện ngay tại Trung tâm để các cháu lớn lên được chữa bệnh miễn phí và người nghèo khó, bất hạnh bị bệnh tật có nơi khám chữa bệnh miễn phí…”
Hãy có tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ nỗi đau của người bất hạnh, hãy giúp đỡ thiết thực cho họ, không nói bằng lời, không ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau của người khác. Tục ngữ Việt Nam có câu: "LÁ LÀNH ĐÙM LÁ RÁCH”, chúng ta hãy lấy đó làm điều tâm niệm trong cuộc sống.
PV: Chân thành cảm ơn chị! Chúc chị và Trung tâm nhân đạo Quê Hương luôn vượt qua những khó khăn để hoàn thành sứ mệnh giúp trẻ mồ côi, bất hạnh!
Như Bá - Kyluc.vn