Vào sáng nay, ngày 22/11/2019, TT.Thích Quảng Hiền – Ủy viên HĐTS, Phó thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đắk Nông, trụ trì chùa Pháp Hoa, thị xã Gia Nghĩa đã kết hợp ban ngành địa phương xử lý hai đối tượng giả sư đi khất thực.
Có thể nói, rất nhiều năm qua, Thượng tọa Thích Quảng Hiền đã kết hợp xử lý nhiều trưởng hợp giả danh nhà sư đi khất thực, lợi dụng sự kính quý của bà con Phật tử và nhân dân đối với màu áo huỳnh y và hình thức của một vị xuất gia chân chính. Đây không phải là những hành vi bình thường, không phải là những đối tượng nhỏ lẻ mà tràn lan, trở thành một vấn nạn của Giáo Hội.
Chân dung hai người giả sư đi khất thực tại Gia Nghĩa sáng ngày 22/11/2019
Cũng nhờ Ban ngành giáo hội và các Ban trị sư, các thầy trụ trì và Phật tử các tỉnh thành đã biết cách hộ pháp, giữ gìn nét đẹp thiêng liêng của người con Phật, cụ thể là Thượng tọa đã tích cực phối hợp quý ban ngành chức năng địa phương, xử lý nghiêm nên phần nào hạn chế sư giả đi khất thực.
Sáng nay, sau khi nhận được tin báo của người dân, Thượng tọa Thích Quảng Hiền đã mời hai đối tượng nghi vấn đang giả danh nhà sư đi bát. Sau khi mời về làm việc tại cơ quan phường Nghĩa Thành sở tại, hai đối tượng trong màu áo vàng của các nhà sư là hai "sư giả" có tên: Nguyễn Văn Thành, sinh 1992 và Phạm Thành Vũ sinh năm 2000, hai người này ở Tỉnh Cà Mau.
Thượng tọa Thích Quảng Hiền đang xử lý hai đối tượng trên tại cơ quan phường Nghĩa Thành
Sau khi xác định rõ danh tính, hành vi lợi dụng và không đủ giấy tờ xác minh là tu sĩ, Thượng tọa yêu cầu hai "sư dỏm" đó lột y áo, thay quần áo thế tục. Đồng thời ghi hình ảnh và yêu cầu cam kết không tái phạm hành vi lợi dụng hình thức tu sĩ như sáng nay.
Các cấp chính quyền cùng kết hợp làm việc
Nhân đây cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, ngoài những người mạo danh hình thức nhà sư đi bát, còn có những vị gồm cả nam lẫn nữ giả mạo hình tướng quý Chư Tăng, Chư Ni, với màu áo vàng, áo dài lam, áo nâu, thoáng nhìn bề ngoài không khác gì một người xuất gia chân chính, họ bảo đi quyên góp xây dựng cho một ngôi chùa nào đó trong tỉnh mình, hoặc đi bán nhang, rồi xem phong thủy, phán phải thay bếp hướng này, dời cổng hướng nọ, v.v.. Tất cả họ đều đang lợi dụng, giả danh người tu để trục lợi. Nếu gặp những trường hợp trên, quý vị nên liên lạc hoặc điện thoại trực tiếp cho quý Tăng Ni trụ trì tại địa phương để kịp thời xử lý.
Nếu mọi người dân đồng lòng kết hợp với giáo hội và các cấp chính quyền thì chắc chắn những tệ nạn trên sẽ khó phát triển được. Bằng không, mình cứ nghĩ "thôi kệ", không biết có phải không?, lỡ hỏi có phạm tội không? hoặc thôi ủng hộ một tí cho xong chuyện....! thì vô tình mình đang tiếp tay cho những hành động xấu, những cá nhân xấu đang làm hư hình ảnh của giáo hội và niềm tin tôn giáo mình.
Tiếp đây xin trích dẫn một số bài viết liên quan do báo Giacngo.vn đăng tải, để mọi người cùng tham khảo
Xin đề nghị bất cứ một tu sĩ nào khi gặp hình ảnh của chư Tăng- Ni đi khất thực, thấy nghi ngờ có thể nhờ chính quyền địa phương hồ trợ bằng cách hỏi giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận Tăng Ni, hiện đang tu học ở chùa, tịnh xá, tịnh thất hay niệm Phật đường nào v.v… Có như vậy mới giảm bớt những con người biếng nhác, lợi dụng màu áo tu sĩ, phá hoại Phật pháp.
Sư giả bị bắt quả tang tại cơ quan công an
Và con xin đề nghị GHPGVN phải có biện pháp để ngăn trừ, gây ảnh hưởng lớn đến nét đẹp của truyền thống Khất sĩ trong pháp tu trọng yếu là trì bình khất thực, làm ruộng phước điền cho chúng sanh vun trồng cội đức (trong đó pháp khất thực là mạng mạch truyền thừa của chư Phật ba đời, cho nên không thể ngăn cấm việc đi khất thực trì bình). Quý Phật tử phải ý thức rằng: nếu như các vị bố thí cho những người như vậy (sư giả) tức là đã gián tiếp làm cho Phật pháp suy!
Xin nêu một số điểm dưới đây để chúng ta có thể tạm quan sát và nhận định khi thấy chư Tăng hay chư Ni đi khất thực bên ngoài là sư giả hay sư thật:
1 - Chư Tăng có thể đi khất thực một mình, nhưng riêng chư Ni thì phải đi từ 2 vị trở lên mới đúng luật.
Chư Ni đi khất một mình là giả!
2 - Tuyệt đối không được phép nhận tiền, đồ ăn mặn (theo truyền thống Khất sĩ) hay những thực phẩm gồ ghề khó coi.
Chỉ có sư giả mới nhận tiền từ tín thí
3 - Bình bát bằng đất nung, màu đen nhưng hiện nay có một số vị không nung mà sơn đen. Vì số đông chư Tăng Ni khất thực ngoài đường đều mang bát nhôm là sư giả.
Bình bát nhôm là dấu hiệu của sư giả
4 - Chư Tăng Ni nào khất thực quá giờ ngọ (13g trưa), quỳ giữa đường, ngồi ngay chỗ đông người qua lại như kẻ ăn mày, đó là phi chánh pháp.
Hình ảnh phi pháp
5 - Khi đi khất thực, Tăng Ni không được phép mang dép đội mũ, đi nhanh thô tháo, liếc nhìn người xung quanh, hay xách mang những thứ vật dụng khác được coi là sư giả (ảnh).
6 - Các chú tiểu nhỏ không được phép bưng bình bát nhôm theo sau nhà sư đi khất thực (theo truyền thống Khất sĩ).
Chú tiểu nhỏ không được phép bưng bình bát nhôm theo sau nhà sư đi khất thực
7 - Khi đi khất thực, chư Tăng hoặc chư Ni phải mặc y áo trang nghiêm, không được phép mặc áo dài khi trì bình khất thực.
Không được phép mặc áo dài khi trì bình khất thực
Nguồn: Phật Giáo Đắc Nông - Thích Giác Hành