Cập nhật lúc 06:21:39 10-10-2023 (GMT+7)

Sen vàng Việt Nam tổ chức lễ Cầu siêu cho anh linh liệt sĩ tại chùa Vân Sơn – Côn Đảo

Nhằm thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, biết ơn và tri ơn công lao to lớn của các anh hùng dân tộc đã hi sinh xương máu ngã xuống dành độc lập cho dân tộc. Ngày 07, 08/9/2023 (nhằm ngày 23, 24/8 Quý Mão) Sen Vàng Việt Nam đã trang nghiêm tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm tại nghĩa trang Hàng Dương và làm lễ cầu siêu cho các anh linh liệt sĩ tại chùa Vân Sơn thuộc huyện Côn Đảo, Tp Vũng Tàu.

Chương trình được tổ chức dưới sự chỉ đạo của ĐĐ. Thích Thiện Mỹ - Phó trưởng ban Thanh thiếu nhi Phật tử TƯ, Phó trưởng ban Thường trực Phân ban Phật tử Hải ngoại TƯ, Trưởng ban TTTT GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Viên Giác. 
Tham gia chuyến đi có ĐĐ. Thích Pháp Huyền – phó trụ trì chùa Viên Giác, đặc trách NPĐ Viên An; ĐĐ Thích Nhuận Quang tri sự chùa Viên Giác;  ĐĐ Thích Pháp Nhật; ĐĐ Thích Pháp Thành; ĐĐ Thích Chơn Hân; ĐĐ. Thích Thiện Quang  cùng trú xứ ở NPĐ Viên An; SC. Thích Nữ Giác Dược Thảo; SC. Thích Nữ Lệ Trung trụ trì chùa Thượng Trạch, tỉnh Quảng Trị; cùng hơn 130 phật tử Sen vàng từ Hải Phòng, Quảng Trị, Đồng Nai cùng về tham dự.  
Sau khi đáp xuống sân bay, điểm đầu tiên đoàn tiến về là nghĩa trang Hàng Dương. Đây là nghĩa trang lớn nhất Côn Đảo, là nơi yên nghĩ của hơn hai nghìn chiến sĩ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, suốt từ những năm 1862 đến 1975 trong nhà tù, trãi qua nhiều trận đòn roi tra tấn tàn bạo của cai ngục, những người tù chính trị đã không may qua đời. Trước kia họ được chôn cất tại nghĩa trang Hàng Keo, do không đủ chổ nên nghĩa trang Hàng Dương được xây dựng  để phục vụ cho việc cải táng, di dời. Trong không khí trang nghiêm, tất cả các thành viên trong đoàn đã thành kính dâng lên những nén tâm nhang, tri ân, tưởng nhớ đến những người con ưu tú của quê hương đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Tại nơi đây, đoàn viếng thăm phần mộ của liệt sĩ Võ Thị Sáu, người con gái anh hùng sinh ra từ vùng đất đỏ và hi sinh khi tuổi chưa tròn đôi mươi.  Đứng trước di ảnh của vị anh hùng trẻ tuổi, mọi người đã không kìm nỗi xúc động. 
Tiếp đó, đoàn viếng thăm mộ phần của cố ĐĐ Thích Hành Tuệ - Liệt sĩ hy sinh tại Côn Đảo. Thầy sinh năm 1935 tại Quảng Nam. Năm 1958 vào Sài gòn tu học tại chùa Phật Bửu (Q.3) và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1966 thầy bị bắt và lưu đày ra Côn Đảo, bị nhốt trong chuồng bò rồi qua chuồng cọp và chịu nhiều trận đòn roi tra tấn khốc liệt. Thầy không khuất phục và lên tiếng dòng dạc: 
“Tôi là một nhà sư và tôi đấu tranh cho hoà bình. Tôi ở đây không vì lý do gì ngoài mong muốn hoà bình. Tôi bị bắt, bị tra tấn nhưng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho hoà bình”. Sau đó  thầy bị cai ngục tiếp tục đánh đập cho đến chết tại nhà giam vào lúc 7 giờ sáng ngày 07/01/1973. 

14h cùng ngày đoàn đã có mặt tại chùa Vân Sơn, mọi người vào lễ Phật và cùng nhau soạn mâm lễ cúng cầu siêu, do huyện đảo là nơi thiếu thốn về phương tiện vật chất nên đoàn đã chu đáo sắm sửa các vật phẩm mang ra từ đất liền để dâng cúng cho các anh linh tại nơi đây.
Ngày thứ 2 của chương trình, đoàn theo chân hướng dẫn viên tham quan các điểm di tích đặc biệt như: Trại Phú Hải; Trại Phú Tường; Trại Phú Bình…, thông qua hướng dẫn viên đoàn đã biết thêm lịch sử hình thành và từng tội ác man rợ khác nhau ở các Trại của bọn xâm lược qua các thời kỳ. Cả đoàn lặng người lắng nghe những câu chuyện về tội ác của kẻ địch, về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng hi sinh gian khổ với niềm biết ơn, cảm phục xen lẫn niềm tự hào.

Trại Phú Hải – được Pháp xây dựng năm 1889, được xem là nơi trui rèn ý chí cách mạng, cũng nơi giam giữ nhiều sĩ phu yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Ngô Gia Tự….. 

Trại Phú Tường – chuồng cọp kiểu Pháp, được xây dựng năm 1940, là nơi bí mật diễn ra các tội ác mà cả thế giới đều phẫn nộ như: phơi nắng, dội nước bẩn, ném vôi bột, bị chọc gậy sắt từ trên cao, không cho tắm, thùng vệ sinh trong phòng giam,  1-2 tháng mới cho đổ……Đến năm 1970, khi được phát hiện và phơi bày đã gây chấn động quốc hội Mỹ và dư luận quốc tế.


Trại Phú Bình – chuồng cọp kiểu Mỹ hoàn thành năm 1973, là  nơi chứng kiến sự kết thúc hơn 100 năm địa ngục trần gian Côn Đảo. Thời gian trôi qua đã hơn nữa thế kỷ nhưng tất cả những ký ức từ những năm tháng oai hùng đứng lên chống lại xiềng xích của đế quốc thực dân  của những người tù yêu nước vẫn còn mãi khắc ghi. 


Cuối chương trình đoàn ghé thăm Bảo tàng Côn đảo và chụp hình lưu niệm.
Chuyến đi vỏn vẹn chưa tròn hai ngày nhưng đã để lại trong mỗi người muôn vàn cảm xúc , một chuyến đi đầy ý nghĩa thiêng liêng. Đoàn chúng con xin kính cẩn dâng lên lòng biết ơn, cảm phục trước những con người đã ngã xuống vì độc lập tư do dân tộc. Và có lẽ sâu đậm trong chúng con là hình ảnh người  con gái triù mến, Cô Sáu – nữ anh hùng đi vào huyền thoại trên mảnh đất này. Nhắc về cô, lời bài hát vang vọng quanh đây:
“ Mùa hoa Lê – ki – ma nở, ở quê ta miền đất đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa hoa lê - ki - ma nở
Đời sau vẫn còn nhắc nhở
Sông núi đất nước ơn người anh hùng
Đã chết cho đời sau.............”
Huệ Nguyễn
Ban TTTT PG Đồng Nai
 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu