Cập nhật lúc 04:31:05 25-09-2021 (GMT+7)

CON ĐƯỜNG THÁNH ĐẠO

Gần đây có một số Tăng Ni trẻ muốn xin Thầy một vài lời khuyên để con đường tu học được thuận duyên, không sai lệch với chánh pháp. Nhận thấy đây là ý muốn hay nên Thầy có đôi điều cần nhắn gởi đến các Tăng Ni trẻ. Nhưng để trả lời cho thích hợp không phải đơn giản, vì tất cả đều phụ thuộc vào nhân duyên, nhân duyên thì chằng chịt liên kết nhau theo hai chiều thuận nghịch. Thuận duyên thì hỗ trợ hòa nhập để hình thành và phát triển. Ngược lại, nghịch duyên thì xung đột, đối kháng để bại hoại tan

Trên nền tảng này, Chúng ta có thể hiểu rằng: Người có thuận duyên với chánh pháp thì ưa tìm hiểu, dễ tiếp thu và tinh tấn hành trì. Còn người nghịch duyên với chánh pháp thì không chuyên nhất, ưa đấu khẩu, xuyên tạc, tà kiến, ham dành, đoạt lợi, mượn đạo tạo đời, giải đãi không tinh chuyên, khó thâm nhập.
Để đáp lại tấm lòng các Tăng Ni trẻ, bằng sự trải nghiệm bản thân, Thầy mong các Tăng Ni đón nhận những lời trao đổi sau đây như là một sự chuyển tải bằng cả tấm lòng.

1. Trước tiên, Thầy muốn các Tăng Ni nên nhớ lại thật kỹ và nắm lòng những lời phát nguyện khi chính thức bước chân vào con đường tu tập đạo giải thoát.
Trong văn Cảnh Sách, Tổ Quy Sơn có dạy: "Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chúng, chấn nhiếp ma quân..." Đây là cốt lõi, là kim chỉ nam của người xuất gia, là điều kiện tiên quyết cho một hành giả muốn thực tập con đường giải thoát. Người xuất gia phải biết hướng về chân trời cao rộng, nội dung hình thức đều khác với người đời, trách nhiệm cao cả là nối tiếp và làm rạng rỡ con đường Phật đạo, hàng phục các ma chướng.
Để thực hiện được lý tưởng cao cả đó, chư Tổ cũng đã dạy: "Hủy khí thân mạng, tôn sùng đạo cố" nghĩa là dù phải hy sinh thân mạng để bảo vệ và tôn sung đạo pháp, ta vẫn phải làm một cách tự nguyện.
Mặt khác, xuất gia cũng có nghĩa là không bị ràng buộc và chuyện thế tục, nhà cửa, làng xóm, chuyện danh lợi, không vướng bận thị phi nhân ngã, cạo bỏ râu tóc, theo Thầy học đạo, trong thì chuyên cần khắc niệm, ngoài thì nếu cao tinh thần hỷ xả vô cầu, hướng đến chân trời giải thoát, siêu phàm nhập thánh.
 
2. Các Tăng Ni trẻ phải dõng mãnh, phát tâm Bồ đề, thực hành giáo pháp Đại thừa khiến cho chánh pháp được cửu trụ. Bồ đề tâm là tâm trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh, hoằng dương chánh pháp, báo Phật ân đức.
Hành giả xuất gia mà không phát tâm Bồ đề thì chỉ là hình tướng xuất gia, không thể hiện được ý nghĩa xuất gia. Kinh Hoa Nghiêm có nói: " Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp." Quên mất mà còn quan trọng như thế, huống chi là không phát tâm hay không chịu phát tâm.
Nhiều đời nhiều kiếp chúng ta mãi chạy theo con đường danh lợi,  chưa có giây phút nào phản tỉnh. Ngày nay, trách nhiệm "hành Như Lai sự," nhìn bên ngoài hình như có vẻ phát triển rộng lớn, nhưng nhìn kỹ nội dung bản chất thì đã bị thế tục hóa, đã bị biến chất không ít. Có nhận ra được sự hiểm nguy con đường sinh tử thì mới dõng mãnh phát tâm Bồ đề, cầu đạo giải thoát. Pháp thế gian là pháp điên đảo, pháp ngăn che thánh đạo, cho nên hành giả tập nhiễm nhiều theo pháp thế gian rất khó nhập vào dòng thánh.
Làm việc Phật mà tâm không có Phật chất, chạy theo hình thức, ưa tiếng khen, ưa danh vị, ưa đấu tranh, không tự cứu xét, không tinh tấn, không có tâm cứu hộ, thấy người hơn mình thì tìm cách ngăn cản phá hoại, hành giả mang tâm địa như vậy, làm sao lợi mình, giúp người, làm sao xiển dương chánh pháp. Chánh pháp tội thượng vì vậy mà đã bị mãi một một cách đáng tiếc.
Trước tình trạng như trên, phát tâm Bồ đề là điều cần thiết. Tâm Bồ đề là tâm cứu cánh rốt ráo, rộng như pháp giới, lớn như hư không, hay an lạc lợi ích, nhiếp hộ chúng sinh, nhiêu ích hữu tình, có công năng đưa hành giả đến quả vị Bồ đề vô thượng. Tính chất của tâm Bồ đề được ví dụ như sau:
- Tâm Bồ đề như nhũ mẫu, vì có công năng nuôi lớn huệ mạng chúng sinh.
- Tâm Bồ đề như lương y, vì có khả năng năng đứt trừ tất cả phiền não sinh tử.
- Tâm Bồ đề như hải đăng, vì là chỗ hướng tất cả tàu bè vượt qua biển sinh tử.
- Tâm Bồ đề như thủy thủ, vì có thể đưa chúng sinh đến bờ Niết bàn một cách an ổn.

3. Đã cứu xét tự tâm, đã ý thức được sự quan trọng của việc phát tâm Bồ đề, sứ mạng chính yếu của hành giả là làm cho chánh pháp cửu trụ, lợi lạc chúng sinh.
Để chánh pháp được cửu trụ, nhân tố tích cực là Tăng già hòa hợp thanh tịnh, là cơ sở để giáo pháp  được lan rộng, được xương minh, người người tin thuận và thực hành chánh pháp. Vì chánh pháp là an lạc giải thoát, cho nên nơi nào, lúc nào hành giả sống và tu tập trong tinh thần hòa hợp an lạc thanh tịnh, đó chính là ý nghĩa chánh pháp cửu trụ.
Đức Phật đã từng dạy: "Thời kỳ mạt pháp, tâm người không kiên cố, sự hành trì bị xao lãng, phạm hạnh không được coi trọng, tinh thần tối thượng của giáo pháp không còn được tán thán thực hành, như vậy có nghĩa là chánh pháp đang bị mai một, không được tỏa rạng trong cuộc sống." Tình trạng đánh tiếc này, trong kinh Niết Bàn đức Phật có giáo huấn như sau:
- Này các Thầy Tỳ kheo, các Thầy đã phát tâm xuất giả, nhưng chưa phát tâm hướng lên giáo pháp Đại thừa. Các Thầy chỉ mới rời bỏ thế tục, chưa chính thức bước vào ngôi nhà giáo pháp Đại thừa.
- Này các Thầy Tỳ kheo, các Thầy đã mặc pháp phục hoại sắc, nhưng các Thầy chưa thấm sâu giáo pháp Đại thừa. Thân các Thầy tuy được mặc áo Như Lai nhưng tâm các Thầy chưa được che kín bằng giáo pháp Đại thừa tối thượng.
- Này các Thầy Tỳ kheo, các Thầy đã từng cạo bỏ râu tóc thế tục, nhưng các Thầy chưa từng gọt sạch các kiết sử phiền não từ vô lượng kiếp đã bám chặt trong tâm các Thầy. Đây là điều các Thầy cần phải thường xuyên quán niệm.
- Này các Thầy Tỳ kheo, các Thầy đã từng đi khất thực nhiều nơi, nhưng các Thầy chưa từng khất cầu giáo pháp Đại thừa tối thượng. Những truyền thống cạn cợt, những quan điểm sai lạc ích kỷ đã làm mờ tâm trí các Thầy, làm cho các Thầy không nhận ra con đường thánh đạo. Chừng nào các Thầy còn đam mê bám víu vào nhu cầu lợi dưỡng, thì chừng đó các Thầy vẫn còn cách xa giáo pháp Đại thừa tối thượng. (Luận Bảo Vương Tam Muội - Hòa thượng Thích Trí Quảng dịch) 

Trên đây là những điều khái quán cốt lõi có tác dụng rất lớn về nhận thức cũng như thực tập con đường giải thoát, các Tăng Ni trẻ nên quán sát và tiếp thứ kỹ. Con đường Thánh đạo thật thênh thang điểm đối với những hành giả có tâm cần cầu, có chí hướng thượng, có sở nguyện thoát ly sinh tử.
"Ngày nay, những người học đạo, trước hết không dấn thân vào trong mọi sự trở ngại, nên khi trở ngại ập đến thì không thể ứng phó.  Chánh pháp chí thượng vì vậy mất hết, đáng tiếc đáng hận biết ngần nào!"
 
Hòa thượng Thích Thiện Đạo

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu